Tràn dịch màng tim do nhiễm sán lá gan lớn

Bé Phàng Thị Cháu.
Ngày 19/10, bé Phàng Thị Cháu 4 tuổi, dân tộc Mông ở Sơn La, được bệnh viện địa phương chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, nôn liên tục. Siêu âm tim phát hiện tràn dịch màng tim mức độ nặng, dẫn tới chèn ép tim, gây khó thở. Theo gia đình, trước đó 2 tuần người nhà có cho cháu ăn thịt bò tái và cua nướng, một tuần sau trẻ xuất hiện sốt, đau đầu, đau bụng và chướng bụng.






Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân được thở ô xy và chọc hút dịch ngoài màng tim cấp cứu. Sau vài giờ, cháu bé đã thoát cơn nguy hiểm, tình trạng khó thở giảm hẳn. 

Điều đặc biệt là dịch màng tim của trẻ có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh, nhìn như đốt sán. Kết hợp với dấu hiệu bạch cầu trong máu tăng cao, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng. Tiếp tục xét nghiệm dịch màng ngoài tim thì phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn.

Dịch màng tim của bệnh nhân sau khi chọc hút. 

Bé Phàng Thị Cháu được điều trị bằng thuốc diệt ký sinh trùng đặc hiệu kết hợp tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch. Sau 1 tuần, sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt, cháu hết khó thở, siêu âm không còn thấy tràn dịch màng ngoài tim.

Ths. BS Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viên Nhi Trung ương cho biết, (chỉ tính từ đầu năm tới nay hoặc trong 6 tháng đầu năm ?), Khoa đã tiếp nhận 8 trường hợp trẻ nhiễm ký sinh trùng, trong đó có 4 ca nhiễm sán. Hầu hết các bệnh nhi nhiễm sán lá gan khi được đưa vào cấp cứu đều đã bị sán xâm nhập nội tạng, gây tràn dịch màng phổi, áp xe gan, áp xe não. Bé Cháu là trường hợp đặc biệt bị tràn dịch màng tim do nhiễm sán.

Bệnh sán lá gan lớn

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, sán lá gan lớn là loại sán có kích thước 3-4 cm x 1cm (?).  Người bệnh thường nhiễm sán do không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn thức ăn tái, nội tạng động vật nhiễm sán chưa được nấu chín, uống nước lã…. Sau khi đi vào cơ thể người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da (ký sinh lạc chỗ). 

Tùy vào số lượng sán và vị trí ký sinh trùng khu trú mà bệnh nhân nhiễm sán có những biểu hiện điển hình hoặc không điển hình.

Triệu chứng toàn thân

- Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút.
- Sốt: sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài.
- Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài đặc biệt ở trẻ em.

Triệu chứng tiêu hoá

- Đau bụng: đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị-mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.
- Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn.
- Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của các biến chứng như tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá...

Các bác sĩ khuyến cáo để đề phòng mắc bệnh do ký sinh trùng, gia đình cần tuân thủ vệ sinh ăn uống: không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã. Trong trường hợp thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, gầy yếu, vàng da, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nên đưa con đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc do nhiễm sán gây ra.

Lê Mai 

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Previous
Next Post »