Đọc sách "The Refugees" của Nguyễn Thanh Việt


Cuốn sách "The Refugees" (Những người tị nạn) mới được xuất bản vào tháng Ba năm nay (2017) (1). Tác giả là Nguyễn Thanh Việt (2), một ngôi sao sáng chói trên văn đàn thế giới và mới được trao giải thưởng văn học Pulitzer vào năm ngoái. Đây là một tác phẩm hay và độc đáo, một articulationtuyệt vời về tình cảnh của người tị nạn mà không phải ai cũng làm được như tác giả. Nhân ngày 30/4 và nhân những ồn ào chung quanh chính sách tị nạn của chính phủ mới ở Mĩ, tôi thiết nghĩ vài dòng điểm sách cũng là một cách chia sẻ cùng các bạn trong ngày lịch sử này.




Có thể tóm lược Những người tị nạn (NNTN) bằng chỉ một chữ: ám ảnh. NNTN là một tập truyện gồm 8 truyện ngắn viết về thân phận của những người tị nạn Việt Nam trên đất Mĩ, và tất cả họ đều bị ám ảnh về quá khứ. Quá khứ chiến tranh. Quá khứ tù đày trong các trại cải tạo. Quá khứ tị nạn và vượt biển. Quá khứ trong những ngày đầu đến Mĩ. Ám ảnh là những gì xảy ra với chúng ta và những gì chúng ta đi tìm. Theo tác giả, tất cả chúng ta đều mang trong người, ít ra là trong tâm tưởng, một quá khứ. Cái quá khứ đó giúp chúng ta hiểu hơn về hiện tại và giúp định hình cái hiện tại. Những chấn thương tinh thần là những trải nghiệm cơ bản nhất của con người, và ít ai trong chúng ta, nhất là người tị nạn, mà không bị chấn thương. Tập truyện bắt đầu bằng một câu chuyện ma [thật], và kết thúc cũng bằng một truyện ma trong suy nghĩ. Toàn bộ văn cảnh là những câu chuyện ngắn mô tả những ám ảnh về những nhân vật trôi dạt cùng những mối liên hệ gãy vỡ, được chạm trổ bằng những câu chữ được chọn lọc cẩn thận làm cho người đọc rất khó quên sau khi gấp cuốn sách lại.

Cái ý tưởng chính định hình những sáng tác của tác giả có lẽ là kí ức chiến tranh. Trong một tác phẩm khác (3), Nguyễn Thanh Việt có đưa ra một nhận xét chí lí rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức ("all wars are fought twice. The first time on the battlefields, the second time in memory"). Nói đến kí ức là nói đến tưởng nhớ, tưởng niệm. Như nhà văn Jorge Luis Borges có lần viết rằng tưởng nhớ là một "động từ ma quỉ" (remembering is a ghostly verb). Kí ức có thể là những gì ám ảnh người gìn giữ kí ức. Bàng bạt trong tác phẩm NNTN, từ câu truyện ngắn mở đầu đến truyện ngắn cuối cùng, chính là sự ám ảnh.

Sách bắt đầu bằng câu chuyện "The Black Eyed Women" ("Những người phụ nữ mắt đen") rất độc đáo và nói theo tiếng Anh là rất "tài tình". Tuy không dễ đọc, nhưng đọc vài lần sẽ thấy cực kì hay về cách tác giả dàn bối cảnh câu chuyện và ý nghĩa của nó. Đây là một truyện ngắn mà tác giả đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức (hơn 17 năm) và đã qua hơn 50 lần chỉnh sửa. Nói như vậy để thấy việc chọn truyện ngắn này mở đầu tác phẩm là một màn trình diễn rất công phu. "Những người phụ nữ mắt đen" kể lại câu chuyện về một người phụ nữ vượt biên đến Mĩ, chị hành nghề "tác giả ma" (ghost writer), có nghĩa là chuyên viết truyện cho người khác in nhưng chị không đứng tên tác giả, nhưng chị là người đối diện với bóng ma. Một cách chơi chữ đầy ý nghĩa!

Chị sống với bà mẹ 63 tuổi mắt đen huyền một cách -- nói theo chị là -- "lịch sự". Bà mẹ lúc nào cũng ám ảnh về quá khứ ở bên nhà. Bà thường hay nói với chị là nếu người cộng sản không vào Sài Gòn thì giờ này Việt Nam đã trở thành giàu có như Hàn Quốc rồi, chị đã có gia đình và có con, và bà đã là người nghỉ hưu, chứ đâu phải hành nghề làm đẹp móng tay như hiện nay. Vào đầu câu chuyện, bà kể rằng ở bên nhà (Việt Nam) có một kí giả viết báo cho rằng chính quyền tra tấn tù nhân, và thế là chính quyền trả thù bằng cách dùng những đòn tra tấn đó cho người kí giả. Bà mẹ cho rằng đó là cái giá phải trả khi để tên trên một sự vật (có lẽ kể cả việc đứng tên tác giả một bài báo). Và, có lẽ chính vì thế mà chị hành nghề "tác giả ma". Bà mẹ tin rằng có ma, còn chị tác giả ma thì không tin chuyện có ma. Nhưng một đêm chị gặp ma. Đó là người anh của chị hiện về trong bộ quần áo ướt sũng. Người anh đã cùng chị vượt biên trên một con tàu vô danh 25 năm về trước (lúc đó chị mới 13 tuổi), và người anh đã từng che chở chị để không bị hải tặc hành hạ. Trong một cuộc đấu tranh chống lại bọn hải tặc, người anh của chị đã bị bọn hải tặc giết chết và xác bị ném xuống biển. Anh đã phải bơi lội suốt 25 năm từ Biển Đông sang California để thăm chị và mẹ. Giây phút trùng phùng giữa chị và người anh trai không làm người đọc cảm động hay rùng mình sợ hãi, vì tác giả lồng vào những mẫu đối thoại mang tính triết lí.

"Con ma" về không có một ý định gì cả, không trả thù ai, cũng chẳng làm hại ai, chỉ đơn giản ghé thăm chị và mẹ. Chuyến ghé thăm của bóng ma của người anh trai làm cho chị có cảm hứng bỏ nghề làm tác giả ma, và quay về làm chủ những câu chuyện chị sáng tác ra. Và, ngay từ cái lúc chị quay về chính mình thì cũng là lúc chị đã chết mà chị không biết. Chị hỏi "tại sao anh phải chết và em còn sống", thì ma trả lời "Em cũng đã chết rồi. Em chỉ không biết mình chết đó thôi." Người kể chuyện trong "Những người phụ nữ mắt đen" cho rằng chúng ta không thuộc về nơi chốn này, nơi mà sở hữu vật chất được xem là tất cả; chúng ta không có tài sản gì cả ngoài những câu chuyện. Mà, ngay cả những câu chuyện thì cũng chỉ là "những sự vật chúng ta phịa ra, không hơn không kém. Chúng ta tìm chúng trong cái thế giới hiện hữu bên cạnh chúng ta, rồi chúng ta bỏ chúng tại nơi mới tìm ra như những con ma bỏ lại quần áo." Cái trọng lượng quần áo đó cũng chính là trọng lượng của chứng cứ.

Chủ đề bóng ma được triển khai trong truyện ngắn thứ hai có tựa đề "The Other Man" (Một người đàn ông khác). Truyện kể về một người tị nạn tên Liem (chắc là " Liêm ") rời Việt Nam trong những ngày miền Nam hấp hối vào năm 1975. Liêm người gốc Long Xuyên lên Sài Gòn làm nghề chạy bàn. Khi đến Mĩ, Liêm phải chờ một gia đình bảo lãnh để có thể hội nhập vào xã hội Mĩ. Người bảo lãnh là Parrish Coyne, người hành nghề kế toán ở San Francisco. Coyne là người đồng tính luyến ái, sống chung với một thanh niên tên là Marcus. Thoạt đầu, Liêm không nhận ra đồng tính luyến ái, nhưng khi Coyne vắng nhà trong những chuyến công tác xa, Marcus mò đến ngủ chung giường với Liêm. Liêm khám phá ra mình là một người đồng tính luyến ái, và gia đình của Liêm ở Việt Nam dĩ nhiên là rất sốc về sự thật này. Sau này, khi nghĩ lại Liem thấy mình là một con ma, con ma về tính dục của mình.

Truyện ngắn thứ ba "The Transplant" cũng là một truyện ngắn đặc sắc. Câu chuyện về một nhân vật nghiện rượu và bài bạc người Mĩ gốc Mễ Tây Cơ tên Arthur Arellano và một thanh niên tị nạn gốc Việt tên Luis. Arthur Arellano bị bệnh gan và chờ chết nếu không được thay lá gan. Còn Luis là một người buôn bán hàng hiệu dỏm mà anh ta cho là tốt hơn hàng thật! Khi Arellano được thay tim, Luis nói với ông rằng lá gan trong cơ thể của ông chính là do Luis tặng cho. Nhưng Luis nói dối, vì lá gan mới là của người Việt tên là Men Vu bị chết trong một tai nạn xe hơi. Hàm ý của câu chuyện là hàng dỏm mà Luis buôn bán cũng đáng nghi ngờ như cái căn cước tính của anh; anh cũng là một con ma.

Đời sống của người tị nạn cao tuổi cũng được tác giả nhắc đến qua truyện ngắn "I'd Love You to Want Me". Truyện viết về một nhân vật tên Khanh, cựu giáo sư ở Việt Nam nay mắc bệnh Alzheimer, và chắc chắn sẽ chết. Ông và bà vợ từng có một căn nhà trên đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn (nay là Điện Biên Phủ), căn nhà bị một cán bộ ngoài Bắc vào chiếm. Hai ông bà có về lại Việt Nam để nhìn căn nhà đang bị xuống cấp do "chủ nhân" mới không chăm sóc, và điều đó làm cho ông bà rất giận. Ông Khanh hoàn toàn mất trí nhớ. Ông không nhớ tên vợ con, không nhớ đến sách vở mà ông từng đam mê. Ông gọi vợ là "Yến", trong khi tên thật của bà là Sa; thoạt đầu làm bà nghi ngờ Yến là tên người vợ bé hay người tình cũ của ông, nhưng sau này thì bà hiểu đó chỉ là một sự tưởng tượng của người mất trí nhớ. Người con trai đang trưởng thành ở Mĩ trở nên "cứng đầu", không nghe lời cha mẹ. Người con trai tên Vinh (tên tiếng Anh là "Kevin") trong độ tuổi trung học đang yêu một cô gái Mĩ, và thường hay trốn nhà để đi chơi cùng bạn gái, và dĩ nhiên hai vợ chồng ông Khanh không hài lòng. Vinh nhất định đòi mẹ phải nghỉ việc ở thư viện để chăm sóc ông Khanh, nhưng bà không chịu. Trong một lần nói chuyện qua điện thoại, người con trai bực mình nói như quát rằng "Con đang yêu, mẹ có biết không? Mẹ đâu biết yêu là gì, phải không?" Người vợ ông là kết quả của một cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên dàn xếp từ lúc còn ở Việt Nam. Toàn bộ câu chuyện là một sự xung đột giữa cái truyền thống và cái mới. Hai ông bà Khanh sống trong kí ức và kỉ niệm thời vượt biên, còn cậu con trai thì không muốn nhớ đến chuyện buồn vượt biên.

Một truyện ngắn cũng nằm trong chủ đề "khoảng cách thế hệ" là truyện "Someone Else Besides You". Trong truyện này, tác giả viết về cái khoảng cách về thế hệ giữa cha và con. Người con 33 tuổi, lớn lên ở Mĩ, đã li dị vợ. Nhưng đối với người cha, người con 33 tuổi chưa phải là đàn ông, bởi vì anh ta chưa có con và li dị. Ông là một người theo truyền thống gia trưởng, một cựu sĩ quan nhảy dù, và ông còn khỏe mạnh, diễu hành trong những dịp lễ lạc kỉ niệm ngày Quân lực VNCH ở Little Sài Gòn.

Hầu hết những nhân vật trong tác phẩm NNTN là người tị nạn hay con cháu của họ, chỉ có nhân vật Mĩ da đen tên James Carver trong "The Americans" ("Những người Mĩ") thì không phải dân tị nạn. Carver là một cựu phi công chiến đấu cơ B52 trong thời chiến, ông thả bom xuống Việt Nam, nhưng chưa bao giờ đặt chân xuống vùng đất mà ông nghĩ là điềm xui xẻo. Ông có vợ là người Nhật tên là Michiko. Sau cuộc chiến, con gái của ông (tên Claire) sang Việt Nam dạy tiếng Anh và quen một người bạn trai gốc Việt tên là Khoi Legaspi (có cha nuôi người Mĩ trắng), lúc đó là một nghiên cứu sinh về robotics thuộc Học viện công nghệ Massachusetts (MIT). Michiko muốn sang Việt Nam thăn con gái, nhưng ông Carver thì còn ngần ngừ. Nhưng cuối cùng thì họ cũng đi Việt Nam, có dịp viếng cung thành Huế, và thậm chí sang Kampuchea. Sau chuyến đi "trải nghiệm" đó, Carver tuyên bố rằng ông bây giờ có một linh hồn Việt.

Một trong những truyện mang nhiều dấu ấn cá nhân nhất có lẽ là "War Years" ("Những năm chiến tranh"). Sở dĩ tôi nói truyện này mang tính cá nhân, vì cha mẹ của tác giả lúc mới sang Mĩ định cư có mở một tiệm chạp phô, bàn hàng hóa Á châu cho đồng hương ở San Jose (Bắc California), và tiệm đã từng bị một tên cướp "viếng thăm". Có lẽ chính cuộc cướp đó là nguồn cảm hứng cho tác giả viết truyện ngắn "Những năm chiến tranh", mà trong đó người kể chuyện xưng "tôi" kể về một tiệm chạp phô do cha mẹ người kể chuyện bị tống tiền. Lần thứ nhất là một tên cướp có súng xông vào tiệm ăn cướp trước sự chứng kiến của người kể chuyện, được thuật lại một cách sinh động. Vụ thứ hai là một sự tống tiền nhân danh ủng hộ kháng chiến giành lại quê hương từ tay người cộng sản. Chúng ta nhớ rằng thời thập niên 1980, ở hải ngoại có các nhóm "kháng chiến" với mục tiêu là khôi phục VNCH, và khi viết truyện này tác giả tỏ ra là một người mẩn cảm với thời cuộc. Người tống tiền là một người phụ nữ tên Hoa, người chuyên đi "quyên tiền" các chủ tiệm người Việt nhân danh kháng chiến. Bà Hoa có một gia đình li tán. Chồng bà là một biệt kích nhảy dù ra ngoài Bắc những có lẽ bị giết chết nên bà chẳng có tin tức gì. Con trai của bà đi lính và trở thành một sĩ quan trong quân lực VNCH, và hi sinh. Nhưng hình con trai bà trên bia mộ bị "những người thắng trận" móc mắt. (Cái chi tiết hình trên bia mộ bị móc mắt có lẽ là thật và đã được viết trong cuốn "Nothing Ever Dies - Vietnam and the Memory of War" (3). Việc làm tống tiền của bà Hoa thật ra là một nỗ lực đền bù cho sự mất mát của bà trong thời chiến.

Truyện ngắn sau cùng và cũng là chuyện đau lòng nhất là "Fatherland" (Tổ quốc). Câu chuyện xoay quanh một nhân vật "tay chơi" sống sót sau những năm tháng chiến tranh ác liệt trước 1975, và tù đày trong các trại cải tạo sau 1975. Bà vợ trước của ông đã bỏ đi Mĩ và đem theo một nhóm con, ông ở lại Việt Nam và thành hôn với một người phụ nữ khác và có thêm một nhóm con với cùng tên những người con ở Mĩ. Ngày nay, ở Việt Nam ông hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Ông chuyên dẫn du khách Mĩ ghé thăm những địa đạo nổi tiếng ở Củ Chi trong thời chiến. Một trong những con gái của ông là Phuong (có lẽ là "Phượng"), người có nhận xét tinh tế về kí ức của du khách: "Vài ngày, hoặc một tuần, hoặc hai tuần, những du khách sẽ rời Việt Nam, những kí ức sâu sắc nhất của họ có lẽ là trải nghiệm được chui bò trong những địa đạo, và kỉ niệm nhạt nhòa với người hướng dẫn viên. Tất cả chúng ta đều như nhau: nhỏ thó, dễ mến, và dễ quên." Một nhận xét mang màu sắc tủi hổ và giận dỗi.

Nhiều nhân vật trong NNTN bắt đầu viết lại những câu chuyện đời khi họ đến Mĩ và đối diện với những thể văn kể chuyện của người Mĩ. Một ví dụ tiêu biểu là câu chuyện Vivien trong truyện "Tổ quốc". Vivien là người chị cùng cha khác mẹ của Phượng, lớn hơn Phượng 7 tuổi; Vivien cùng mẹ sang Mĩ sống sau 1975. Trong những thư gửi về nhà, Vivien nói rằng cô là một bác sĩ nhi khoa và có một cuộc sống thoải mái về vật chất. Do đó, Phượng rất muốn sống cuộc sống như chị mình mô tả trong thư. Sau này, Vivien có dịp về Việt Nam thăn ba và các em, cô dẫn cả nhà đi ăn uống những nhà hàng sang trọng và mua nhiều quà đắt tiền cho Phượng. Nhưng trong một dịp tình cờ, Phượng biết rằng Vivien không phải là bác sĩ nhi khoa, mà là một cô thư kí bị đuổi việc vì lẹo tẹo với ông chủ. Thế là giấc mơ đi Mĩ của Phượng bị chết yểu. Phượng mới nhận ra rằng nếu cô muốn sống như Vivien thì cô phải hi sinh cái căn cước tính của mình, và sẽ trở thành một con ma trong cô. Và, đây có lẽ là phần kết luận quan trọng nhất của tập truyện NNTN: bạn không phải sống cuộc sống của một con ma. Ngày tiễn đưa Vivien về Mĩ ở phi trường, hai chị em chụp hình chung, nhưng khi về đến nhà, Phượng đốt tấm hình đó và tro khói bay lên không gian Sài Gòn. Tập truyện kết thúc ở đó.

Người tị nạn (refugee) khác với người di cư (immigrant). Người tị nạn là người tuyệt vọng, vô quốc tịch, không có tài sản, và họ bị "bứng" khỏi quê hương qua một biến động lịch sử. Người di cư có quốc tịch, họ có tài sản, và họ ra đi một cách tự nguyện. Người tị nạn do đó thường mang trong mình những chấn thương tinh thần. Người tị nạn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi căn cước tính của mình. Tất cả những nhân vật trong tập truyện đều có chấn thương tinh thần, và có vấn đề. Nhưng tác giả tỏ ra là một người hiền lành vì anh đối xử với những con người thất bại và hư hỏng bằng một thái độ nhẹ nhành, tử tế và độ lượng.

Người tị nạn sống giữa hai thế giới. Một bên là quê hương, nơi chôn nhao cắt rốn; một bên là quê hương tạm dung. Người tị nạn, như đề cập trong phần đầu, thường bị chấn thương tinh thần. Họ bị giằng xé tâm tư, một bên là kí ức của quê hương đầy biến động và đau khổ, một bên là đất nước tạm dung giàu có nhưng chưa chắc là thoải mái. Do đó, người tị nạn đã xa rời quê hương, nhưng trong tâm tưởng họ chưa bao giờ rời quê hương. Họ ở đây, nơi tạm dung, mà không phải ở đây. Họ thành đạt về kinh tế, họ có thể có địa vị trong xã hội nơi tạm dung, nhưng cái tâm của họ thì vẫn còn chông chênh. Họ cũng như là những con ma, thể xác đã chết đi nhưng họ vẫn còn lẫn quẫn đâu đây.

Nguyễn Thanh Việt là người đã mô tả được hay đã diễn giải được cái tâm lí chông chênh đó trong người tị nạn. Bằng một văn phong điêu luyện bậc thầy, với những quan sát tinh tế, cùng những phân tích tâm lí sâu sắc, Nguyễn Thanh Việt dẫn dắt người đọc đến những kí ức sâu thẳm trong lòng người tị nạn. Những câu chuyện trong tập truyện NNTN tuy viết về những người tị nạn Việt, nhưng những thông điệp và thân phận chông chênh mà tác giả viết có thể áp dụng cho bất cứ sắc dân nào. Có lẽ chính vì thế mà tác giả đề ngay từ trang đầu dòng chữ "For all refugees, everywhere" (Cho tất cả những người tị nạn, ở mọi nơi).

Một nhà văn có tài không chỉ để lại những câu văn đẹp, mà còn là những câu nói mang tính wisdom. Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn đã để lại cho người đọc nhiều câu nói đáng được trích dẫn như là những wisdom - tri thức. Một tri thức tôi tâm đắc nhất là câu [dịch sang tiếng Việt] "tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức". Những tri thức và nhận xét trong NNTN cũng có thể xem là những định luật nhân văn của nhân loại.

------

(1) Tác phẩm "The Refugees" của Nguyễn Thanh Việt, First Grove Atlantic xuất bản 2/2017, 209 trang.

(2) Trong phần Cảm tạ, Nguyễn Thanh Việt tri ân một số người thân trong gia đình và qua đó chúng ta biết thêm chút ít về tác giả. Ba Má anh là người Bắc tị nạn ở miền Nam vào năm 1954, và tị nạn lần nữa vào năm 1975 (anh viết "refugees in 1954 and again in 1975"). Trong cuốn "Nothing Ever Dies -- Vietnam and the Memory of War", chúng ta có thể đoán rằng ba mẹ tác giả là người công giáo nguyên quán Ninh Bình (hay Nam Định), Bắc Việt Nam. Có thể nói rằng gia đình anh là một gia đình tị nạn thành đạt trên đất Mĩ, dù tác giả không hề và không muốn nói về điều này. Ba Má anh làm chủ một tiệm chạp phô ở San Jose vào thập niên 1980s. Anh trai là Nguyễn Thanh Tùng, tốt nghiệp cử nhân triết học từ ĐH Harvard, y khoa từ ĐH Stanford, và đang là giáo sư y khoa của ĐH California, San Francisco. Tác giả xem người anh là một tấm gương, người đã đặt cái chuẩn cao trong cái học. Tác giả đã có gia đình, vợ mà tác giả gọi là "partner" là Lan Duong, và hai người có một con trai. Tác giả tự nói về mình là người sinh ra ở Việt Nam nhưng được nhào nặn ở Mĩ (born in Vietnam, made in the United States). Anh thấy mình như là một kẻ gián điệp. Ở trong nhà của ba má, anh là kẻ gián điệp vì anh là một đứa Mĩ con; ở ngoài xã hội, anh cũng là một gián điệp vì anh là người gốc Việt đang quan sát người Mĩ.



(3) Tác phẩm " Nothing Ever Dies - Vietnam and the Memory of War" của Nguyễn Thanh Việt, Harvard University Press xuất bản 2016, 374 trang.

(4) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2016/12/ban-oc-nguyen-thanh-viet-viet-thanh.html
Previous
Next Post »