Hội chứng ái kỉ trong khoa học


Một trong những cuốn sách thú vị nhất mới xuất bản gần đây là cuốn "An Essay on Science and Narcissim" (Luận về khoa học và hội chứng ái kỉ) của Giáo sư Bruno Lemaitre (1).  Tại sao Gs Bruno Lemaitre viết cả một cuốn sách bàn về "hội chứng" ái kỉ trong khoa học? Lí do nghe qua thì rất cá nhân, nhưng nó có ý nghĩa toàn cầu. Sếp cũ của anh ta là Jules Hoffmann, người sau này được trao giải Nobel về khám phá mà ông ấy không có công trạng gì cả. Để hiểu cuốn sách của Lemaitre, chúng ta có thể tưởng tượng ra 3 ông giáo sư dưới đây (tuy là tưởng tượng, nhưng dựa trên thực tế):




Trường hợp 1Ông A là một giáo sư thực thụ (full professor) và phó khoa trưởng của một khoa công nghệ thuộc một đại học có hạng của Mĩ. Thành tích nghiên cứu của ông tuy không thể so sánh với các đồng nghiệp từ các đại học hàng đầu, nhưng thành tích xin được tài trợ của ông thì rất đáng nể. Ông là người "đam mê" với con số. Những con số về bài báo khoa học, về trích dẫn, về các chỉ số trắc lượng khoa học, kể cả "impact factor" được ông chú ý rất kĩ, dù ông không có những con số ấn tượng nào so với đồng nghiệp khác! Đa số những bài báo của ông là do postdoc viết, còn bản thân ông từ ngày xong PhD đến khi gần nghỉ hưu chưa có đến 30 bài là tác giả đầu. Nhưng labo của ông là thuộc hạng "khủng", với rất nhiều postdoc và nghiên cứu sinh. Ông có cách xin tài trợ qua những mối liên hệ với những người quyền thế trong xã hội và kĩ nghệ. Với chức danh giáo sư ông có thể thuyết phục những người ngoài khoa học để có tiền làm những dự án lớn. Ông dùng những từ ngữ 'đao to búa lớn', vẽ ra những viễn kiến rất 'trời ơi' nhưng dễ làm cho người có quyền thế hài lòng. Ông được các hiệp hội trao nhiều giải thưởng chuyên ngành. Ông cũng được xem là một nhà khoa học thành công, nhưng sự thành công của ông là do ngoại giao hơn là thực lực.

Trường hợp 2: Ông B là một giáo sư y khoa nổi tiếng trên thế giới, từng giữ nhiều trọng trách trong các hiệp hội y khoa không chỉ cấp quốc gia mà còn quốc tế. Ông đứng tên trong ban biên tập của hàng chục tập san y khoa lừng danh trên thế giới. Ông là một ngôi sao sáng, là KOL (key opinion leader) của các công ti dược, được các công ti trả tiền đi nói chuyện về thuốc điều trị cho công ti khắp thế giới, từ Âu sang Á, từ Á sang Mĩ. Nói ngắn gọn, ông là một nhà khoa học hạng "high flyer" đúng nghĩa. Lí lịch khoa học của ông cực kì ấn tượng, với hơn 500 bài báo khoa học và nhiều giải thưởng cấp quốc tế. Nhưng một hôm, có người nhận xét trong đơn xin tài trợ của ông rằng số bài ông đứng tên tác giả đầu chưa đầy con số 20, còn số bài tác giả chính (correspondence author) thì cũng chỉ xấp xỉ son số bài báo tác giả chính. Ông chưa một lần xuống lab để làm vì ông xem đó là việc làm của hạng thấp kém. Ông cũng chẳng hề giảng dạy, vì ông xem đó không phải việc của giáo sư. Có thể nói rằng ông cũng là một nhà khoa học thành công, nhưng sự thành công đó được xây dựng trên công sức của người khác.

Trường hợp 3: Ông C là một nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới về những đóng góp quan trọng trong chuyên ngành miễn dịch học. Ông được trao giải Nobel y sinh học. Nhưng đằng sau ánh hào quang đó là những chi tiết làm cho bất cứ nhà khoa học trẻ nào cũng thấy khó chịu và có thể mất niềm tin vào khoa học và nhà khoa học. Nhưng ông không phải là một nhà khoa học "tay chân", tức là không trực tiếp tham gia nghiên cứu từ labo trở lên. Ông thậm chí không đến labo, không biết cách dùng pipette một cách thích hợp. Lí do là ông không thích làm khoa học thực nghiệm. Ông cũng không thích giảng dạy. Đối với ông, làm thực nghiệm trong labo và giảng dạy là việc làm "hạ cấp" cho nhà khoa học đẳng cấp như ông. Giải thưởng Nobel được trao về lí thuyết mà ông phát kiến, chứ không phải khám phá. Lí thuyết về chọn lọc tự nhiên trong miễn dịch học. Trong những bài báo của ông, ông không đề cập đến những công trình của những "tiền bối", người thực sự bàn về chọn lọc tự nhiên trước đó khá lâu. Trong cái nhìn của công chúng, ông là một thiên tài, một nhà khoa học thành công. Nhưng trong giới khoa học thì sự thành công của ông là do cách biết lợi dụng người khác hơn là từ thực lực cá nhân.

Đối với công chúng, hình ảnh của nhà khoa học là người đi tìm sự thật -- truth seeker. Đó là hình ảnh của người miệt mài trong phòng thí nghiệm, lúc nào cũng suy tư tìm cái mới. Đó là những người làm việc bất vụ lợi, không cần tiền, chỉ cần khám phá. Đây chính là hình ảnh được phóng đại qua cuốn phim "Extraordinary Measures" do tài tử Harrison Ford thủ diễn vai tiến sĩ Robert Stonehill, người đi tìm liệu pháp điều trị bệnh Pompe. Từ hình ảnh này, nhà khoa học thường được công chúng đánh giá khá cao, cao hơn giới chính trị gia và chắc chắn cao hơn những người buôn bán xe hơi và buôn bán nhà đất. Cho đến nay, cho dù có sóng gió đó đây trong khoa học, nhưng cái hình ảnh của người tìm chân lí đó vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng trong thực tế thì ngoài hình ảnh "người đi tìm chân lí", còn có một hình ảnh khác hơi xấu của giới khoa học, nhất là ở các nhà khoa học "thành danh." Thật vậy, bất cứ ai từng làm việc hay nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu đều ít nhất một lần gặp phải những nhân vật, những nhà khoa học với cá tính có thể mô tả là ngạo mạn, hám quyền, hám danh, tự đề cao mình thái quá, tự tin thái quá, và chẳng cần quan tâm đến những đồng nghiệp chung quanh. Những người này cũng chẳng chú ý đến các qui ước tương tác xã hội. Họ thường có thái độ mà người Việt chúng ta hay nói "thượng đội, hạ đạp"; với đồng nghiệp dưới quyền họ hành xử theo quan hệ vua chúa và nô lệ, với người cấp trên họ tỏ ra như là một nô bộc trung thành. Những đặc tính đó được gọi chung là narcissism, hay Hội chứng Ái kỉ (xem bảng).


Nhà khoa học loại N và loại S

Trong sách, Gs Lemaitre phân biệt hai loại nhà khoa học: N-drive và S-drive. N-drive là viết tắt của chữ "Narcissistic drive". Do đó, N-drive scientist là nhà khoa học làm việc vì động cơ ái kỉ. Đó là những người làm thì ít mà nói thì nhiều. Họ là những người có thành tích khoa học, tuy chỉ ở cấp độ trung bình hay dưới trung bình, nhưng thành tích đó đủ để công chúng nhìn nhận họ là nhà khoa học thực thụ. Khi đã được sự ghi nhận của công chúng là người của khoa học, họ xây dựng hào quang cá nhân bằng nhiều cách như tạo ra những mối quan hệ với những người trong chính quyền hay có quyền lực cao, và đây là cách để họ đạt được quyền lực. Họ không muốn làm khoa học, mà chỉ muốn dùng khoa học để đạt được quyền lực; do đó, tạo được mối quan hệ với nhà cầm quyền là rất quan trọng.

Ngoài chiến lược đó, họ còn tạo ra được hào quang qua những phát biểu với những từ ngữ to lớn (hay nói theo tiếng Việt là "nổ"), đưa ra những viễn kiến cao siêu tầm quốc gia nhưng mơ hồ để ru ngủ đám đông. Họ làm tất cả để thu hút sự chú ý của đám đông. Họ có thể lăn, lộn, bò trên giảng đường; họ có thể xuất hiện một cách màu mè trước công chúng qua trang phục khác lạ để làm mình nổi bật lên và được chú ý. Nhà khoa học loại N cũng có thể là những người nói năng có duyên, có khả năng quyến rũ giới trẻ bằng những câu chuyện huyền bí của chính họ và mang tính "truyền cảm hứng". Họ (giới khoa học loại N) thường cặp kè những người phụ nữ trẻ đẹp ("chân dài"), vì đây là những người mà Giáo sư Lemaitre gọi là "trophy partner", tức là những người có thể giúp cho họ nổi bật trước đám đông và các sự kiện truyền thông hay lễ hội. Nói chung, đặc điểm của nhà khoa học loại N là người đam mê quyền lực, hay "nổ", quyến rũ, và thích được và làm mọi cách để công chúng ngưỡng mộ họ.

Giáo sư Lemaitre đưa ra một loạt các nhà khoa học lừng danh, kể cả sếp của ông (Giáo sư Jules Hoffmann) để minh họa cho những đặc điểm trên. Từ Niels Jerne, Robert Weinberg, Francois Jacobs, Kary Mullis, Joel Stock, đến Sigmund Freud và mới nhất là nhân vật đình đám về CRISPR tên là Feng Zhang, tất cả đều được Gs Lemaitre xem là những nhà khoa học thuộc nhóm N, hay nói đúng hơn là ái kỉ.

Ngược lại với khoa học loại N là nhà khoa học loại S. Chữ S-drive là viết tắt của "Scientific drive". Do đó, S-drive scientist là nhà khoa học làm việc vì lí tưởng khoa học. Đó là mẫu nhà khoa học cổ điển, mà Gs Lemaitre gọi là "meticulous scientists". Họ là những người làm việc miệt mài, dấn thân vì lí tưởng khoa học; họ là những người thực sự sản xuất ra dữ liệu mới (data), hay nói chung là "doer" (người làm thật) chứ không phải "talker" (người hay nói). Giáo sư Lemaitre gọi họ là " Meticulous Scientist ".

Những người meticulous scientists này thường không có những mối quan hệ chính trị và quyền lực, vì họ rất ngại và lúc nào cũng giữ một khoảng cách với những người có quyền thế. Họ nói trong hội nghị khoa học thì rất hay, nhưng nói trước công chúng thì rất dở; họ không tạo được hào quang chung quanh mà chính họ cũng chẳng quan tâm. Họ là những người khiêm tốn, họ cảm thấy hối lỗi khi dùng tiền bạc của nhà tài trợ mà không làm ra sản phẩm, họ lo lắng và hi sinh cho học trò. Nhưng vì không giữ chức vụ quan trọng, nên giới khoa học loại S thường là những cái bóng bên cạnh những nhà khoa học loại N.

Tuy nhiên, nếu không có nhà khoa học loại S, thì khoa học sẽ không còn tồn tại và trở thành một thứ giả tạo, lang băm, một loại phường tuồng showbiz. Giáo sư Lemaitre nhận định rằng những thành tựu của giới khoa học loại N thường là "imaginary", tức ảo hay tưởng tượng, do họ giỏi PR sản phẩm của họ, do đó không thể đưa vào thực tế cuộc sống. Còn thành tựu của giới khoa học loại S là thật vì có thể đem lại phúc lợi cho cộng đồng và quốc gia.

Trường hợp Lemaitre và Hoffmann

Cách đây gần 7 năm, Gs Bruno Lemaitre dính dáng vào một tranh chấp liên quan đến giải Nobel năm 2011 được trao cho sếp của ông là Gs Jules Hoffmann. Theo Lemaitre thì Gs Hoffmann không xứng đáng với giải thưởng đó, bởi vì Hoffmann chẳng có công trạng gì về công trình TLR (toll-like receptor) dẫn đến giải Nobel. Lemaitre viết rằng Hoffman không có ý tưởng gì về dự án đó, rất xa rời với công việc thí nghiệm, và cũng không ủng hộ dự án. Dự án đó chỉ một mình Lemaitre (lúc đó là postdoc) theo đuổi từ đầu chí cuối, ngay cả Hoffmann không ủng hộ. Lemaitre cho biết anh có tất cả các lab notebooks để chứng minh rằng Hoffmann không có liên quan gì đến dự án, nhưng khi công bố bài báo thì ông ... có tên!

Những gì Lemaitre viết ra không phải chỉ là những trao đổi cá nhân, mà anh ta công bố trên tập san Science. Giáo sư Hoffmann cũng có trả lời những gì Lemaitre đưa ra, và công nhận rằng Lemaitre quả thật là người khám phá TLR. Nhưng Hoffmann nói thêm rằng ông ấy cũng có công, và trong diễn văn nhận giải Nobel ông có đề cập đến Lemaitre. Tuy nhiên, những gì Hoffmann bày tỏ cùng những gì Lemaitre trình bày làm cho giới khoa học nói chung xem việc trao giải Nobel cho Hoffmann là một sai lầm.

Cái 'tài' của Hoffmann là ông ấy nói giỏi, vì ông là một dạng "N-scientist" (sẽ giải thích dưới đây). Cái 'dở' của Lemaitre là vì ông thuộc dạng "S-Scientist". Dù TLR là khám phá của Lemaitre, nhưng khi công trình thành công thì trớ trêu thay Hoffmann là người được nhắc đến như là "anh hùng", còn Lemaitre thì chẳng ai biết đến. Hoffmann được các lab và hội nghị khoa học khắp nơi trên thế giới mời đi nói chuyện và thuyết giảng về TLR. Tại sao Hoffmann lại có vinh dự như thế? Lemaitre giải thích rằng vì Hoffmann là một nhà khoa học rất giỏi "networking" và nói rất hay trong các hội nghị. Hoffmann rất giỏi trong việc tạo dựng một hình ảnh đẹp cho mình, một hình ảnh của một nhà khoa học chỉ đi tìm chân lí mà không màng đến danh vọng. Lemaitre xem Hoffmann là một nhà PR hơn là một nhà khoa học thực thụ. Lemaitre xem Hoffmann là một nhà khoa học ái kỉ (narcissistic scientist).

Ảnh hưởng của hội chứng ái kỉ

Ái kỉ là một hội chứng với những đặc điểm nổi bậc như phô trương, ích kỉ, tự cảm thấy mình đặc biệt, chăm chút đến quyền lợi của mình và chỉ của mình (xem box). Người ái kỉ phô trương là những người tự tin thái quá, quan tâm đến môi trường chung quanh, tự đánh giá mình quá cao, hám quyền, thích được chú ý, có khả năng tương tác tốt, và quyến rũ với truyền thông. Tuy nhiên, họ (người ái kỉ) cũng là những kẻ thích gây sự, không chịu ai phê bình mình, muốn mình có đặc quyền, khai thác các mối quan hệ cho lợi ích cá nhân và để phô trương. Nói cách khác, những người ái kỉ đặt nặng tính cách "ahead", tức là cái gì cũng muốn làm hơn người, trước người khác, chứ không muốn đi cùng người khác. Họ có xu hướng sống ngoại tâm, hành động, có khả năng, và đam mê quyền lực, nhưng có điểm thấp về tính hoà đồng, tử tế, và thấu cảm. Bất cứ ai trong chúng ta cũng dễ dàng nhận ra vài nhân vật ái kỉ với những đặc tính trên.

Nhưng trong thế giới khoa học hiện đại thì có hằng hà sa số những người mang hội chứng ái kỉ. Một phần là do hệ thống tạo nên, một phần khác là do những người chung quanh gây áp lực để thành ái kỉ. Nhưng hội chứng này rất có hại cho khoa học, và nhìn thấy điều đó nên Gs Lemaitre viết hẳn một cuốn sách để bàn về những tác động xấu của ái kỉ trong khoa học.

Trong cuốn sách Lemaitre đưa ra vài ví dụ về sự ưu tiên cho các dự án lớn như CERN, tốn hàng tỉ USD để khám phá những cái mà có lẽ không hiện hữu (neutrinos). Làm sao giới vật lí có thể thuyết phục giới cầm quyền tiêu tiền cho một dự án như thế? Giới cầm quyền hay cầm tiền thường chỉ nghe những tiếng nói ồn ào nhất (nổ nhiều nhất) và hứa hẹn nhiều nhất. Tương tự, những dự án liên quan đến protein NF-kB cũng tiêu ra hàng tỉ USD nhưng chẳng dẫn đến thành công bao nhiêu. Chúng ta có thể nghĩ đến hàng tỉ USD chi cho các dự án "thời thượng" như giải mã gen, và mới đây là tế bào gốc, nhưng cho đến nay chúng ta đã thấy những dự án này chẳng đem lại lợi ích đến bệnh nhân tương xứng với số tiền đầu tư. Tất cả những dự án này đều xuất phát từ những nhà khoa học loại N-scientists, tức là ái kỉ, nói nhiều nhưng làm ít. Có thể nói rằng những N-scientists đã phần nào đó lừa gạt xã hội và công chúng về tầm quan trọng của việc làm của họ.

Đọc cuốn sách của Lemaitre làm cho bất cứ ai quan tâm đến khoa học bên nhà phải suy nghĩ về sự ưu tiên đầu tư của Việt Nam cho khoa học. Việt Nam có lẽ cũng chẳng khác gì nước ngoài, tức là cũng chịu tác động bởi những người ồn ào nhất trong thế giới truyền thông, nhưng chẳng có ảnh hưởng gì trong thế giới khoa học. Đó là những người mới xong PhD (thậm chí còn đang học PhD), mới có vài bài báo khoa học, nhưng nhờ truyền thông lăng xê nên họ nghiễm nhiên trở thành "expert", có quyền quyết định đầu tư cho khoa học! Những người ái kỉ này được tiếp cận những người có quyền thế [nhưng họ ngồi nhầm chỗ], và hệ quả là đầu tư cho khoa học bị lệch lạc và chẳng đem lại lợi ích cho xã hội hay uy danh quốc gia. Chỉ có một cách là phải trao quyền về cho những S-scientists, và trả khoa học về cho nhà khoa học thực thụ.

Cuốn sách "An Essay on Science and Narcissim" của Lemaitre phải nói là rất đáng đọc, vì ông bàn (và đụng chạm) đến một hiện tượng hết sức phổ biến trong khoa học: narcissism hay ái kỉ. Đọc và đối chiếu với tình hình thực tế, tôi nghĩ ngay tại Úc này và Việt Nam có nhiều nhà khoa học loại N hơn là loại S. Trong tình hình ngân sách cho nghiên cứu khoa học hạn chế thì giới khoa học loại N sẽ ở thế thượng phong vì họ có những mối quan hệ tốt và nói giỏi, nhưng cũng chính vì thế mà nền khoa học quốc gia sẽ bị ảnh hưởng xấu. Tôi nghĩ bất cứ ai trong chúng ta làm trong khoa học đều nhìn thấy hay trải nghiệm những chuyện "trái tai gai mắt", những trò PR lố lăng, nhưng không tìm ra chữ thích hợp để mô tả, thì đây Giáo sư Bruno Lemaitre đã lí giải hiện tượng đó cho chúng ta một cách cặn kẽ. Tôi nghĩ chắc không ngoa khi nói rằng Lemaitre đã sáng tạo ra một chữ mới "Narcissistic Science" mà tôi dịch là "Hội chứng Ái kỉ trong Khoa học". Hiểu được hội chứng này cũng giúp chúng ta có một lời giải thích tại sao một số nền khoa học, kể cả khoa học Việt Nam, chưa phát triển được.

===



(1) http://brunolemaitre.ch/wp-content/uploads/2016/03/toc.pdf
Previous
Next Post »