Thực phẩm biến đổi gen: an toàn cho sức khỏe?


Câu chuyện thực phẩm biến đổi gen (genetically modified foods) đã và đang được bàn cãi ồn ào trên các diễn đàn báo chí nước ngoài, nhưng ngày nay cũng đã lan tràn sang Việt Nam. Có người bắt đầu đặt câu hỏi là có nên ăn những trái dưa hấu không hột, hay những trái xoài được trồng theo kiểu thay đổi gen. Tìm câu trả lời cho những vấn đề này không dễ. Ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ một số thông tin khoa học liên quan đến vấn đề này trên các tập san khoa học.Tôi chỉ chọn những thông tin đã qua bình duyệt và được công bố trên những tập san uy tín hoặc những trạm thông tin chính thống. Tôi sẽ bàn qua một số vấn đề mà công chúng quan tâm như thực phẩm biến đổi gen là gì và mối liên quan đến ung thư, và các ý kiến của các tổ chức khoa học chính thống ra sao.



"Biến đổi gen" có nghĩa là gì?

Cụm từ "biến đổi gen" dĩ nhiên là dịch từ tiếng Anh, "genetic modification".  Nhưng để hiểu cụm từ này đầy đủ, thiết tưởng chúng ta phải bắt đầu định nghĩa thế nào là gen. Tưởng đâu là chuyện đơn giản, nhưng không hẳn vậy đối với người trong chuyên ngành, nhất là sau dự án ENCODE. Nhưng để không mất thì giờ các bạn và đi thẳng vào vấn đề, một gen được định nghĩa là liên hợp những chuỗi kí tự mã hóa các protein, hay viết bằng tiếng Anh có lẽ rõ ràng hơn: "a gene is a union of sequences encoding for proteins". Chúng ta biết rằng chỉ có 4 kí tự hay nucleotide (còn gọi là "bases"): A, G, C và T. Mệnh đề "chuỗi kí tự" hay sequence là rất quan trọng, vì nó định hình một gen. Chúng ta biết rằng trong hệ gen (genome) có 6 tỉ cặp nucleotide, nhưng chỉ có khoảng 23000 gen. (Cho đến nay, chúng ta không biết chính xác bao nhiêu gen.)

Khi giới khoa học nói "biến đổi gen" có nghĩa là biến đổi chuỗi kí tự hay mảng DNA. Có nhiều cách để biến đổi chuỗi kí tự. Thời xưa, khi chưa có công nghệ di truyền thì cách đơn giản nhất là lai giống (1). Ở miền Tây, người ta ghép cây bình bát với cây mãng cầu xiêm. Lai giống, nói theo ngôn ngữ thời nay, là tái tổ hợp các cấu trúc gen, tức là cũng thay đổi chuỗi kí tự trong gen. Nhưng với công nghệ di truyền và tiến bộ trong sinh học phân tử, ngày nay, giới khoa học có thể chọn một mảng DNA từ gen của loài vật này cấy sang gen của loài vật khác, và phương pháp này có khi gọi là "recombinant DNA technology" hay "genetic engineering".

Do đó, tôi thấy Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa về sinh vật biến đổi gen (hay GMO -- genetically modified organisms) là đúng nhất. Họ định nghĩa rằng sinh vật biến đổi gen (bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật) có đặc điểm là các chất liệu di truyền (DNA) đã bị biến đổi không theo qui luật tự nhiên, mà qua lai tạo, phối giống, và các kĩ thuật di truyền (2). Ví dụ như gen mã hóa protein tinh thể (gây bệnh cho côn trùng) của vi khuẩn Bacillus thuringiensis có thể “cấy” vào bông vải để làm cho chúng có khả năng chống lại ấu trùng và các virus khác. Qua kĩ thuật biến đổi gen như thế, giới khoa học có thể làm cho sinh vật mới kháng rầy, kháng thuốc diệt rầy, và kháng virus. Đó là một cách hiểu về GMO, và như chúng ta thấy, thực chất là genetic engineering là một phần của genetic modification.

Thực phẩm biến đổi gen không mới

Với định nghĩa trên thì như trình bày trên thì việc biến đổi gen đã diễn ra lâu và như là một quá trình tất yếu trong tiến bộ khoa học và văn minh nông nghiệp. Văn minh nông nghiệp diễn ra một cách độc lập trong nhiều vùng trên thế giới, nhưng bằng chứng cổ xưa nhất cho thấy kĩ thuật làm nghề nông đã được ứng dụng ở vùng Đông Nam Á (chứ không phải Trung Đông hay Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng) hơn 10,000 năm trước đây. Trước đó khoảng 200,000 năm, trước khi nông nghiệp ra đời, con người sống theo cuộc sống du mục, mà thực phẩm được thu thập bằng săn bắn, hay đào bới từ những cây cỏ hoang và thú rừng. Sau khi cây cỏ và thú vật được thuần hóa, con người bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng nông nghiệp làm thay đổi xã hội con người.

Sự phát triển này xảy ra ở Đông Nam Á trước tiên, và sau đó lan truyền sang các vùng khác trên thế giới. Sự thay đổi từ cuộc sống du mục sang cuộc sống nông nghiệp cho ra đời một xã hội định cư, và dẫn đến phát triển về ngôn ngữ, văn học, khoa học, và công nghệ, bởi vì con người được giải phóng khỏi cái công việc săn bắt hái lượm hàng ngày.

Cây quả cũng tiến hóa, hay nói cho đúng hơn là chúng cũng thay đổi nhanh chóng với sự “can thiệp” của con người. Mỗi cây quả mà chúng ta có ngày nay có liên hệ với những giống cây hoang trong thiên nhiên từ thời tiền sử, và “tổ tiên” của chúng vẫn hiện diện trong nhiều nơi hoang dã trên thế giới. Những con người đầu tiên chắc chắn đã thử qua hàng triệu cây cỏ trước khi chấp nhận và thuần hóa khoảng vài ngàn cây cỏ mà chúng ta dùng ngày nay. Ngày nay, trong số nhiều ngàn đó, chỉ có khoảng vài trăm giống cây được trồng một cách nhanh chóng để cung cấp thực phẩm cho chúng ta dùng hàng ngày.

Qua quá trình tiến hóa dần dần, tổ tiên chúng ta đã chọn một số rất nhỏ giống cây trong hàng ngàn giống và trồng trọt để cho ra hoa quả. Cách lai giống để làm cho trái cây chín nhanh hơn, làm giảm độ đắng, giảm những độc chất, gia tăng sản lượng (kể cả làm cho hoa quả lớn hơn), và ngay cả làm cho trái cây không còn hột (như chuối ngày xưa và dưa hấu ngày nay). Những cải tiến này làm cho hoa quả càng ngày càng hoàn thiện hơn, và dần dần xóa bỏ những “dấu vết” của loại cây hoang dại.

Phần lớn những vụ mùa cung cấp thực phẩm cho chúng ta từng được thu hoạch và phát triển từ thời đại Đồ Đá, thường thường từ một số nhỏ cây cỏ. Từ một số cây “nguyên thủy” này, tổ tiên chúng ta đã chế biến nên nhiều giống khác cho nhiều môi trường khác nhau. Chỉ riêng bắp, chúng ta đã có đến ít nhất là 10 loại, như bỏng ngô, ngô ngọt, ngô mẻ, ngô đậu chổi, v.v. Văn hóa và văn minh mang tính lan truyền. Ngày nay, chúng ta thấy Mĩ là nước sản xuất hàng đầu về bắp và đậu nành, dù các cây này có nguồn gốc từ Mễ Tây Cơ và Tàu. Cây cà phê có nguồn gốc từ Ethiopia, nhưng ngày nay phần lớn cà phê được sản xuất ở Châu Mĩ La-tinh và Việt Nam. Cam Florida có nguồn gốc từ Ấn Độ, và mía thì đến từ Papua New Guinea.

Khởi đầu từ nghiên cứu của Gregor Mendel trong việc gây giống đậu Hà Lan, kiến thức về di truyền học đã giúp phát triển vụ mùa với năng suất cao. Ba thập niên trước đây, nhiều nhà khoa học nông nghiệp nhận thấy công nghệ DNA là một phương tiện quan trọng để làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời duy trì sự phát triển lâu dài. Theo sau đó là những thành công trong việc thay đổi gen và chuyển gen trong thực vật làm cho việc ứng dụng công nghệ DNA vào nông nghiệp không còn là một giấc mơ mà hoàn toàn có thể tiến hành được. Và đối với người trồng trọt, công nghệ mới là một công cụ mới có thể bổ sung vào các công cụ mà họ đang có.

Nông dân đã là những người cách tân trong công nghệ sinh học. Họ là những người đi tiên phong trong việc sáng tạo ra những giống cây trồng, kể cả lúa, trước hết. Qua thời gian, nông dân hoàn thiện nhiều giống cây trồng mà chúng ta tiêu thụ ngày nay. Những cách tân đó chẳng những đem lại hiệu quả và năng suất cao mà còn bảo vệ mùa màng và làm giảm sự phụ thuộc vào hóa chất. Theo thống kê thì công nghệ sinh học đang được ứng dụng trên khoảng 110 triệu mẫu trồng trọt trong 12 quốc gia trên thế giới. Thực phẩm sản xuất từ các nông sản dùng công nghệ sinh học có thể lên đến con số hàng vạn trên toàn cầu.

Ở Mĩ và Canada, nơi mà phát triển và ứng dụng khoa học được xem là chuyên sâu, một người nông dân ngày nay có thể sản xuất đủ sản lượng để nuôi 150 người. Đối với những sản phẩm liên quan nhiều đến thành quả của công nghệ sinh học như như bắp, lúa mì, và gạo, năng suất tăng gấp 3 thậm chí 5 lần so với trước đây. Chẳng hạn như năng suất nông dân trồng bắp ở Mĩ chỉ có thể thu hoạch khoảng 26 giạ bắp trên mỗi mẫu vào năm 1928, nhưng ngày nay năng suất đó là 134 giạ. Hay như ở Việt Nam, năng suất lúa tăng gần hai lần chỉ trong vòng 20 năm qua cải tiến về công nghệ trồng trọt.

Trong nông nghiệp GMO đầu tiên được thực hiện vào năm 1972, tức là 45 năm về trước. Đến năm 2004, trên thế giới có hơn 8 triệu nông dân trên 17 nước trồng 81 triệu ha với nông sản biến đổi gen. Gần Việt Nam là Thái Lan, Phi Luật Tân, Tàu cũng đã trồng hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu ha bắp GMO.

Một số thực phẩm đến với chúng ta trong thời gian gần đây cũng được du nhập hay thuần hóa, chứ cũng chẳng phải nguyên thủy. Cây lí gai nguyên là một loại cây hoang không ăn được mọc ở Tàu. Nhưng qua quá trình thuần hóa và gây giống, ngày nay nó là một món ăn ngon miệng, và được đặt tên mới là “cây Kiwi” ở Tân Tây Lan sau khi nó được du nhập vào đây vào cuối thế kỉ 19 hay đầu thế kỉ 20. Cây dâu là một sản phẩm của một sự lai giống [hoàn toàn tình cờ] giữa hai loài cây hoang từ Virginia ở Mĩ và Chile ở Pháp vào thế kỉ 18.
Hạt cải dầu (rapeseed) từng được trồng ở Ấn Độ qua nhiều thế kỉ, gần đây được gây giống để loại bỏ những thành phần độc hại (axít erucic) và xóa mùi để cho ra cây Canola dùng để làm dầu ăn.Triticale, một loại cây hoàn toàn mới, được tạo ra bằng cách phối hợp cây lúa mì và lúa mạch đen vào khoảng hai ba thập niên trước đây.Ngày nay, cây này được trồng trên hơn 3 triệu ha trên thế giới. Bánh mì mà người Tây phương dùng hàng ngày cũng là một sản phẩm của quá trình tiến hóa từ khoảng 4000 năm về trước qua lai giống cây lúa mì tetraploid với cỏ dê (loại cỏ không ăn được).

Nói về thực phẩm biến gen thì rất nhiều, và những ví dụ trên chỉ là tiêu biểu. Vấn đề không phải là chúng ta có nên thay đổi gen trong cây cỏ hay không, bởi vì chúng ta đã từng làm như thế hàng ngàn năm trước đây khi cây trồng được thuần hóa để dùng làm thực phẩm. Thay vì đánh giá một cách đơn giản cái phương tiện chúng ta dùng để thay đổi gen, chúng ta cần phải suy nghĩ cách làm cho sản lượng trồng trọt cao hơn và phẩm chất tốt hơn.

Thực phẩm biến đổi gen và sức khỏe

Hiện nay, có khá nhiều thông tin từ mạng cho rằng thực phẩm biến đổi gen là có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đó là những nguồn thông tin phi chính thống, và họ dùng ngôn ngữ rất cảm tính. Trong thực tế, cho đến nay, chưa có một chứng cứ nào cho thấy thực phẩm biến đổi gen là có hại cho sức khỏe con người (3-4). Ngược lại, nhờ biến đổi gen mà thế giới có nguồn thực phẩm để nuôi hơn 4 tỉ con người. Ở Mĩ có cơ quan FDA đã từng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lí thực phẩm và qua thời gian, cơ quan này đã được sự ủng hộ của công chúng. Có lẽ vì thế mà mức độ mà công chúng Mĩ chấp nhận thực phẩm biến gen cao hơn công chúng ở các nước Âu châu.

Một trong những quan tâm là gen từ thực phẩm biến đổi gen có truyền sang con người? Vài trang web chống thực phẩm biến đổi gen cho rằng gen từ những thực phẩm này truyền sang con người, thậm chí họ còn dùng chữ “confirmed” (5). Nhưng trong thực tế, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một chứng cứ khoa học nào cho thấy khi chúng ta ăn thực phẩm, kể cả thực phẩm biến đổi gen, thì gen của các thực phẩm này “chạy” sang chúng ta. Bài báo (6) mà website đó thổi phồng cũng không kết luận như thế. Đã có nghiên cứu nghiêm chỉnh (7) kết luận rằng chẳng có gen nào từ thực phẩm sang người cả.
Nhưng tiện đây cũng nên nói thêm rằng cơ thể chúng ta tiếp nhận ít nhất 145 gen từ các vi sinh vật khác (8). Các vi sinh vật này là vi trùng và các loại chỉ có 1 tế bào (đơn bào). Không ai hay ít ai chú ý đến sự thật này, mà lại lo ngại chuyện gen từ thực phẩm biến đổi gen truyền sang chúng ta!

Thực phẩm biến đổi gen gây ung thư?

Một trong những quan tâm lớn nhất về ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen là ung thư. Ung thư là bệnh dễ gây cảm tính nhất, vì ai cũng sợ ung thư. Nhưng ít ai biết rằng chúng ta chết nhiều vì bệnh tim mạch hơn là chết vì ung thư. Nếu ai đã từng đến bệnh viện và thấy tận cảnh lâm sàng các bệnh như Alzheimer hay bệnh tâm thần thì có lẽ nhiều người sẽ thấy ngoài ung thư còn nhiều bệnh khác nguy hiểm hơn nữa. Nếu người ta biết rằng gãy xương làm tăng nguy cơ tử vong gấp 2-3 lần so với các bệnh khác thì người ta sẽ phải suy nghĩ về vai trò của vitamin D, sữa và calcium đúng hơn.

Mối liên hệ giữa thực phẩm biến đổi gen và ung thư đã từng được nghiên cứu trên chuột, nhưng kết quả thì gây ra rất nhiều tranh cãi. Một nghiên cứu rất rình rang vài năm trước cho rằng cho chuột ăn bắp biến đổi gen làm cho chúng có nguy cơ bị ung thư cao (9). Nếu đúng thì đây là bằng chứng khoa học đầu tiên cho thấy thực phẩm biến đổi gen là nguy hiểm. Nhưng sau này giới khoa học phát hiện nhiều sai sót trong nghiên cứu đó và tác giả phải rút lại bài báo.

Công trình nghiên cứu đó do Tiến sĩ Gilles Seralini và đồng nghiệp bên Pháp thực hiện, và công bố trên Tập san Food and Chemical Toxicology vào năm 2012 (9). Tập san này cũng thuộc loại khá, nhưng chưa phải là hạng “top” trong y khoa. Công trình nghiên cứu thí nghiệm trên chuột giống Sprague-Dawley bằng cách cho chúng ăn bắp biến đổi gen. Họ chia làm 4 nhóm: nhóm 1 không có ăn bắp biến đổi gen (nhóm chứng); nhóm 2, 3 và 4 lần lược cho ăn ăn bắp biến đổi gen ở mức độ 11, 22 và 33%. Thật ra, còn có một nhóm khác cho ăn bắp biến đổi gen và glyphosate. Tác giả kết luận hơi khó đọc, nhưng tôi tóm lược để các bạn nắm cái thông điệp chính rằng chuột cho ăn bắp biến đổi gen bị rối loạn về gan và thận (10).

Lập tức sau khi bài báo công bố là hàng loạt lá thư của các nhà khoa học phê bình nghiên cứu này. Nghiên cứu có quá nhiều sai sót. Từ cách thiết kế nghiên cứu, phân tích dữ liệu, và quan trọng nhất là cách họ xác định ung thư đều có vấn đề nghiêm trọng. Những vấn đề chính được liệt kê là (11-12):

  • cỡ mẫu quá thấp, kết quả chẳng có ý nghĩa gì;
  • cách chọn chuột (có nguy cơ ung thư cao) cho thí nghiệm có vấn đề;
  • sai lầm trong phân tích dữ liệu;
  • thiếu chi tiết về thí nghiệm;
  • không công bố dữ liệu;
  • phân tích pathology sai;
  • đối xử với chuột vi phạm y đức;
  • bàn luận một chiều.

Nhiều người chỉ ra rằng cỡ mẫu quá nhỏ và tác giả cố tình không dùng đúng phương pháp so sánh, làm cho kết quả rất khó diễn giải. Điều buồn cười nhất là tác giả có lẽ do không phải là dân y nên không phân biệt được “tunour” và “cancer”. Cục An toàn thực phẩm Âu châu phải ra thông báo cho rằng cách thiết kế nghiên cứu, báo cáo và phân tích dữ liệu trong bài báo là có vấn đề, và do đó, kết luận của tác giả không thể xem là hợp lí (11). Đây cũng là một bài học hay về thiết kế thí nghiệm và phân tích dữ liệu, và bài học về thiếu kiến thức y khoa dẫn đến diễn giải sai.

Với những sai sót và sai lầm đó, tập san Food and Chemical Toxicology phải rút bài báo xuống. Nhưng điều thú vị là câu chuyện không dừng ở đó. Năm 2014, Tập san Environmental Sciences Europe công bố một phiên bản mới của bài báo đã bị rút xuống! Đây là một việc làm rất bất thường trong khoa học, bởi vì thường khi một bài báo đã bị rút xuống thì không bao giờ được công bố chỗ khác. Do đó, giới khoa học đặt vấn đề đạo đức khoa học với Tập san Environmental Sciences Europe (13). Lạ lùng hơn là bài báo không qua bình duyệt! Tập san này có tiếng là chống thực phẩm biến đổi gen. Bài này có kết luận nhẹ hơn, cho rằng cần phải nghiên cứu tiếp chứ chưa dám nói là có liên quan (13):

Our findings imply that long-term (2 year) feeding trials need to be conducted to thoroughly evaluate the safety of GM foods and pesticides in their full commercial formulations.”

Tuy nhiên, một giáo sư thống kê học lừng danh là David Spiegelhalter đã xem bài báo mới và ông kết luận rằng bài báo vẫn còn có sai sót về phân tích thống kê làm cho kết luận của tác giả đáng ngờ (14). Nhưng những người ủng hộ Seralini thì cho rằng bản mới của bài báo là rất tốt.

Một trong những quan tâm trong nghiên cứu trên là glyphosate có thể gây ung thư. Nhưng thật ra, chưa đủ bằng chứng để nói glyphosate gây ung thư. Đó là tuyên bố của cục kiểm soát hóa chất Âu châu (15).

Điều quan trọng nhất trong bài báo này là nghiên cứu trên chuột. Những phát hiện trên chuột rất khó có thể suy luận cho người. Những gì chúng ta quan sát trên chuột thường chẳng có liên quan gì với người. Do đó, khi báo chí suy diễn kết quả này và cho rằng ăn uống thực phẩm biến đổi gen tăng nguy cơ ung thư ở người là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Trong thực tế, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào cho thấy thực phẩm biến đổi gen có liên quan đến nguy cơ ung thư ở con người.

Các hiệp hội khoa học quốc tế nói gì về GMO?

Một số người đưa ra những website có xu hướng cảm tính và chống thực phẩm biến đổi gen và GMO. Nhưng rất tiếc đó không phải là những tổ chức chính thống. Khi nói "chính thống" tôi không có ý như ở Việt Nam (là phải thuộc Nhà nước hay đảng), mà là các tổ chức khoa học bất vụ lợi được cộng đồng khoa học công nhận. Ví dụ như Viện hàn lâm khoa học Mĩ, như Hiệp hội y khoa Mĩ (AMA), Tổ chức Y tế Thế giới, v.v. Dưới đây (17-23), tôi thu thập nhận định của các tổ chức khoa học và y khoa về GMO.

Tôi không dịch lại những nhận định, nhưng tôi có thể tóm lược như sau. Tất cả các tổ chức này đều cho rằng GMO nói chung là an toàn, và chưa có chứng cứ khoa học gì để nói chúng có hại cho sức khoẻ con người. Tất cả những nhận định này là dựa trên chứng cứ khoa học và cân bằng giữa lợi ích và tác động môi trường, xã hội. Đó không phải là ý kiến cá nhân của bất cứ ai, mà là của một tập thể gồm những nhà khoa học, xã hội học, đạo đức học, môi trường học thuộc hạng hàng đầu thế giới. Tôi không nghĩ họ bị mấy công ti kĩ nghệ mua chuộc, mà họ chỉ nói lên những gì có chứng cứ khoa học.

Tôi nghĩ Viện hàn lâm khoa học Việt Nam hay Bộ Y tế hay một cơ quan hữu trách cũng nên ra một nhận định như thế này để công chúng biết đâu là sự thật và đâu là thông tin nhiễu.

***

Tóm lại, thực phẩm biến đổi gen là một phát triển mang tính tất yếu của khoa học và sự sống của con người. Tổ tiên chúng ta đã từng biến đổi gen để tạo ra một số cây trồng đem lại nguồn sống cho con người. Với sức ép của dân số và lương thực, cùng với phát triển của khoa học, chúng ta ngày nay có thể tạo ra những thực vật và động vật với năng suất cao hơn và đa phần là an toàn hơn so với trước đây.

Nhưng không phải ai cũng chào đón thực phẩm biến đổi gen, và điều này cũng dễ hiểu. Trong khi thực phẩm biến đổi gen khá phổ biến ở Mĩ và Úc, thì ở Âu châu, các nước như Pháp, Đức, Hungary và vài nước nhỏ khác không cho bày bán thực phẩm biến đổi gen. Nhưng Tây Ban Nha và vài nước khác (như Czech, Slovakia, Bồ Đào Nha, Romania) là nguồn sản xuất và phân phối thực phẩm biến đổi gen. Bất cứ thời đại nào cũng có những người cấp tiến và những người bảo thủ. Người cấp tiến thì sẵn sàng thay đổi, làm cách mạng.  Còn người bảo thủ thì khư khư ôm lấy những lề lối sống và cách làm việc cũ, những lề lối mà họ cảm thấy họ có thể kiểm soát được sự hiểm nguy. Bởi vì lương thực là một yếu tố quan trọng nhất cho sự tồn tại của con người, cho nên những thay đổi về phương cách sản xuất thực phẩm thường xảy ra một cách chậm chạp và thường gặp nhiều phản đối.

Ở Việt Nam, một số người giàu có cũng tỏ ra rất quan tâm đến thực phẩm đổi gen. Những người này thường chọn lọc những thông tin từ các nguồn phi chính thống và phi khoa học để nói rằng thực phẩm biến gen là nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là ung thư. Nhưng sự thật là Việt Nam là một nước còn nghèo, dân còn đói, đất thì ít và teo hẹp lại hàng năm, đáng lí ra nhu cầu về nghiên cứu thực phẩm biến gen phải là mối quan tâm hàng đầu. Thật vậy, đáng lí ra Việt Nam chúng ta phải là nơi đi tiên phong về công nghệ gen (hay biến đổi gen) trong nông nghiệp. Trong thực tế cũng có nhiều nhà khoa học làm việc này, nhưng thành tựu của họ thì ít khi nào được biết đến, vì họ bị lấn át bởi những tiếng nói của người nhà giàu về “thực phẩm biến đổi gen” là có hại! Trong khi một số người, có lẽ là thuộc giới nhà giàu, đang lo sợ thực phẩm biến đổi gen gây tác hại đến họ, thì thế giới phương Tây đã ứng dụng công nghệ biến đổi gen để làm cho nước của họ giàu có hơn và thống trị nguồn thực phẩm cho cả thế giới.

Xem ra nông dân Việt Nam cũng có vẻ hài lòng với GMO. Bài báo này (16) tường thuật về anh nông dân tên Đua nói rằng "Ngót 20 năm gắn bó với nghiệp sản xuất giống ông Đua bảo chưa bao giờ thấy việc canh tác lại đơn giản, nhẹ nhàng như bây giờ bởi không phải phun thuốc sâu. Đối với sản xuất ngô giống thông thường, phun thuốc sâu là nỗi ám ảnh đối với bà con nông dân bởi phải dùng 6-8 lần. Ngơi tay phun thuốc cái là sâu ăn cụt cả râu, lòi cả bắp, thất thu ngay. Giờ vạch lá, tìm mãi mà chẳng có nổi một con sâu nên tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và sức khỏe để thỉnh thoảng lại gầy một cuộc nhậu chơi."

Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu và nghiên cứu về thực phẩm biến đổi gen. Trong khi chúng ta có thể tạm thời an tâm rằng thực phẩm biến đổi gen là khá an toàn, nhưng những vấn đề liên quan đến đạo đức, xã hội, môi trường, chủ quyền sản phẩm, v.v. vẫn còn chưa ngã ngũ. Những vấn đề này đòi hỏi phải có sự phân tích thấu đáo và xem xét ở nhiều góc cạnh. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không chủ động nghiên cứu GMO thì rất dễ bị lệ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài.

Việc biến đổi gen đã diễn ra trong phòng labo và ứng dụng trong điều trị lâm sàng rất lâu. Ít ai biết rằng insulin là một sinh phẩm biến đổi gen, vì người ta lấy gen từ ruột heo cấy vào vi trùng để sản xuất ra insulin. Các thyroid hormone cũng là chiết xuất từ động vật và cấy vào vi trùng. Tương tự, thuốc đều trị viêm gan cũng là sinh phẩm biến đổi gen. Cũng ít ai biết rằng thực phẩm biến đổi gen đang là đề tài nghiên cứu để phòng chống các vi khuẩn nguy hiểm như Zika, Ebola. Thực phẩm biến đổi gen đang trở thành một loại “thuốc”. Tất cả các vaccines mà y khoa dùng để chống Zika, Ebola, và cảm cúm nữa, đều được thiết kế bằng cách thay đổi cấu trúc gen, và nguyên lí đó cũng chính là nguyên lí của thực phẩm biến đổi gen. Có lẽ chúng ta phải nhìn nhận rằng con người và mùa vụ gắn bó một cách chặt chẽ với nhau, và nếu chúng ta hiểu được nền nông nghiệp trong quá khứ thì chúng ta cũng có thể đối phó với những mối quan tâm hiện nay về những tham vọng khoa học kĩ thuật trong việc sản xuất lương thực.

Nguồn tham khảo:

(1) https://www.nature.com/scitable/topicpage/genetically-modified-organisms-gmos-transgenic-crops-and-732

(2) http://www.who.int/foodsafety/areas_work/food-technology/faq-genetically-modified-food/en/

(3) Touyz, L. Z. G. (2013). Genetically modified foods, cancer, and diet: myths and reality. Current Oncology, 20(2), e59.

(4) Bawa, A. S., & Anilakumar, K. R. (2013). Genetically modified foods: safety, risks and public concerns—a review. Journal of food science and technology, 50(6), 1035-1046.

(5) Arjun Walia (2014). Confirmed: DNA from genetically modified crops can be transferred into humans who eat them. Collective-Evolution.com. Truy cập ngày 14 May 2017.

(6) Spisák, S., Solymosi, N., Ittzés, P., Bodor, A., Kondor, D., Vattay, G., … & Szállási, Z. (2013). Complete genes may pass from food to human blood. PLoS One, 8(7), e69805.

(7) Keese, P. (2008). Risks from GMOs due to horizontal gene transfer. EnvironmentalBiosafety Research, 7(3), 123-149.

(8) Williams, S. C. (2015). Humans May Harbour More than 100 Genes from Other Organisms. Sciencemag.orgMar. 12, 2015.

(9) Séralini, G. E., Clair, E., Mesnage, R., Gress, S., Defarge, N., Malatesta, M., … & De Vendômois, J. S. (2012). RETRACTED: Long term toxicity of a Roundup herbicide and a Roundup-tolerant genetically modified maize. Food and chemical toxicology,50(11), 4221-4231.

(10) Nguyên văn kết luận: “The results of the study presented here clearly demonstrate that lower levels of complete agricultural glyphosate herbicide formulations, at concentrations well below officially set safety limits, induce severe hormone-dependent mammary, hepatic and kidney disturbances. Similarly, disruption of biosynthetic pathways that may result from overexpression of the EPSPS transgene in the GM NK603 maize can give rise to comparable pathologies that may be linked to abnormal or unbalanced phenolic acids metabolites, or related compounds. Other mutagenic and metabolic effects of the edible GMO cannot be excluded

(11) Butler, D. (2012). Hyped GM maize study faces growing scrutiny. Nature,490(7419), 158.

(12) Resnik RB. Retracting Inconclusive Research: Lessons from the Séralini GM Maize Feeding Study. J Agric Environ Ethics. 2015 Aug; 28(4): 621–633.

(13) Séralini GE, Clair E, Mesnage R, Gress S, Defarge N, Malatesta M, et al. Republished study: Long-term toxicity of a Roundup herbicide and a Roundup-tolerant genetically modified maize. Environmental Sciences Europe. 2014a;26:14.

(14) Casassus, B. (2014). Paper claiming GM link tumours republished. Nature News,6(24), 1.

(15) ECHA (2017). Glyphosate not classified as a carcinogen by ECHA.

(16) http://nongnghiep.vn/bien-viet-nam-thanh-noi-xuat-khau-giong-gmo-cua-khu-vuc-post189101.html

(17) American Association for the Advancement of Science (Hiệp hội này là nhà xuất bản của tạp chí lừng danh Science): “The science is quite clear: crop improvement by the modern molecular techniques of biotechnology is safe.” (AAAS Board Statement on Labeling of Genetically Modified Foods, 2012) (1).
https://www.aaas.org/news/statement-aaas-board-directors-labeling-genetically-modified-foods

(18) American Medical Association (Hiệp hội Y khoa Hoa Kì, xuất bản tập san JAMA, hàng số 1 trên thế giới): “Our AMA recognizes that there is no evidence that unique hazards exist either in the use of rDNA (GE) techniques or in the movement of genes between unrelated organisms.” “Bioengineered foods have been consumed for close to 20 years, and during that time, no overt consequences on human health have been reported and/or substantiated in the peer-reviewed literature.” “To date, no evidence has supported an increased degree of allergenicity of bioengineered foods compared to their nonbioengineered counterparts.” (Report of the Council on Science and Public Health, 2012)

(19)  National Academies of Science (Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kì, xuất bản PNAS): "Genetic engineering is one of the newer technologies available to produce desired traits in plants and animals used for food, but it poses no health risks that cannot also arise from conventional breeding and other methods used to create new foods.” (Expert Consensus Report: Safety of Genetically Modified Foods, 2004)
http://www.sciencemag.org/news/2016/05/us-panel-releases-consensus-genetically-engineered-crops

An analysis of the U.S. experience with genetically engineered crops shows that they offer substantial net environmental and economic benefits compared to conventional crops.” “The transfer of GE traits from GE crops to other crops or relatives has not been a concern for most non-GE crops.” "Generally, GE crops have had fewer adverse effects on the environment than non-GE crops produced conventionally.” (Impact of Genetically Engineered Crops on Farm Sustainability in the United States, 2010)  
https://www.nap.edu/catalog/12804/the-impact-of-genetically-engineered-crops-on-farm-sustainability-in-the-united-states

(20) World Health Organization (Tổ chức Y tế Thế giới): "GM foods currently available on the international market have passed risk assessments and are not likely to present risks for human health. In addition, no effects on human health have been shown as a result of the consumption of such foods by the general population in the countries where they have been approved.” (20 questions on genetically modified foods, 2013)
http://www.who.int/foodsafety/areas_work/food-technology/faq-genetically-modified-food/en/

(21) European Commission (Uỷ hội Âu châu):  "The main conclusion to be drawn from the efforts of more than 130 research projects, covering a period of more than 25 years of research, and involving more than 500 independent research groups, is that biotechnology, and in particular GMOs, are no more risky than conventional plant breeding technologies.” (A decade of EU-funded GMO research, 2010).
https://ec.europa.eu/research/biosociety/pdf/a_decade_of_eu-funded_gmo_research.pdf

(22) The Royal Society (tương đương với viện hàn lâm của Anh): “A previous Royal Society report (2002) and the Government’s GM Science Review (2003/2004) assessed the possibilities of health impacts from GM crops and found no evidence of harm. Since then no significant new evidence has appeared. There is therefore no reason to suspect that the process of genetic modification of crops should per se present new allergic or toxic reactions…. Global food insecurity is the product of a set of interrelated local problems of food production and consumption. The diversity of these problems needs to be reflected in the diversity of scientific approaches used to tackle them.” (Reaping the benefits: Science and the sustainable intensification of global agriculture, 2009)
https://royalsociety.org/~/media/Royal_Society_Content/policy/publications/2009/4294967719.pdf

(23) International Science Academies: Joint Statement (including the Brazilian Academy of Sciences, the Chinese Academy of Sciences, the Indian National Science Academy, the Mexican Academy of Sciences and the Third World Academy of Sciences): “GM technology has shown its potential to address micronutrient deficiencies [in developing nations]. These nutritional improvements have rarely been achieved previously by traditional methods of plant breeding.” “GM technology, coupled with important developments in other areas, should be used to increase the production of main food staples, improve the efficiency of production, reduce the environmental impact of agriculture, and provide access to food for small-scale farmers.” “Decisions regarding safety should be based on the nature of the product, rather than on the method by which it was modified. It is important to bear in mind that many of the crop plants we use contain natural toxins and allergens.” (Transgenic Plants and World Agriculture, 2000).


https://www.nap.edu/catalog/9889/transgenic-plants-and-world-agriculture
Previous
Next Post »