Khoa học Xô-Viết dưới thời Stalin: thành tựu trong nhà tù


Tác giả Simon Ings mới viết một cuốn sách thuật lại những câu chuyện liên quan đến nghiên cứu khoa học dưới thời Stalin. Cuốn cách có tựa đề là "Statlin and the Scientists: A History of Triumph and Tragedy 1905-1953." Tôi chưa đọc cuốn sách, mà chỉ đọc vài bài điểm sách, nên muốn chia sẻ vài thông tin để chúng ta hiểu hơn về khoa ở ... Việt Nam.



Người Bolsheviks xem chủ nghĩa Marx là một khoa học. Họ nghĩ học thuyết Marx có thể giải thích bất cứ hiện tượng xã hội nào. (Nhưng dĩ nhiên, Karl Popper thì xem chủ nghĩa Marx là phi khoa học). Những người như Lenin và Stalin xem họ là những nhà khoa học loại "polymath", và tự cho họ cái quyền can thiệp vào tất cả các lĩnh vực khoa học. Do đó, họ rất quan tâm đến khoa học, và xem đó là phương tiện để biến Liên Xô thành thành trì của khoa học trên thế giới, và làm gương cho các nước chư hầu như Đông Âu và có lẽ Việt Nam nữa. Do đó, họ đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu khoa học. Theo tác giả Simon Ings, vào thời điểm Stalin chết vào ngày 5/3/1953, Liên Xô là nước tài trợ cho khoa học và kĩ thuật dồi dào nhất. Nhưng kết quả của sự đầu tư đó là những thành tựu vinh quang, nhưng cũng là những trò cười cho thế giới trí thức.


Nhưng từ bản chất họ rất ghét giới khoa học mà họ cho là "giai cấp tư sản". Khổ nỗi là đa số giới khoa học (và nghệ sĩ) đều thuộc giai cấp trung lưu và thượng lưu. Họ thừa hiểu rằng giới trí thức Nga và giới khoa học nói chung không ưa cái chủ nghĩa mà Lenin và Stalin theo đuổi, nhưng đồng thời họ rất cần bọn này để xây dựng xã hội cộng sản và những thiết chế khoa học mới. Những kẻ như Lenin và Stalin do đó muốn tạo ra một nhóm khoa học mới, gọi là "khoa học vô sản", đế đối trọng với "khoa học tư sản". Cái tai họa của khoa học Xô Viết là bắt đầu từ nhóm khoa học vô sản này.

Thoạt đầu, giới khoa học Xô Viết (chủ yếu là Nga) ngạc nhiên khi thấy giới lãnh đạo đầu tư cho họ rất nhiều về thiết bị. Ngoài ra, họ còn được trao tặng những chức danh và giải thưởng rất kêu. Nhưng bức tranh dần dần đen tối khi Stalin đòi hỏi phải có những tiến bộ mà ông muốn. Ông đặt lên giới khoa học những áp lực rất lớn. Nói thẳng ra, Stalin trở thành một kẻ khủng bố đối với giới khoa học Xô Viết.

Trọng tâm của cuốn sách của Simon Ings là những câu chuyện khủng bố đã hoành hành giới hoa học Xô Viết ngay từ những năm trong thập niên 1930s. Sự tồn tại của giới khoa học trong xã hội cộng sản không chỉ là cơ sở vật chất, tài trợ nghiên cứu, mà quan trọng hơn là lệ thuộc vào những người có quyền thế chính trị như Andrei Zhdanov và đặc biệt là kẻ độc tài lừng danh và sát nhân lớn nhất trong lịch sử là Stalin. Tác giả Simon Ings còn dành nhiều trang cho nhân vật trẻ con là Trofim Lysenko, người mà sau này trở nên một cánh tay khoa học của Stalin. Lysenko là một người ít học và bất tài, nhưng lại là người có ảnh hưởng lớn đến khoa học Xô Viết. Sau sự thất bại thê thảm của chính sách hợp tác xã vào những năm 1930s, Lysenko nghĩ đến việc phát triển một giống lúa mới để giải quyết vấn đề năng suất quá thấp lúc đó. Lysenko cho rằng ông có thể "xuân hóa" giống lúa mì bằng cách làm cho cây lúa mì lạnh để có thể thu hoạch vào mùa xuân. Dĩ nhiên, cái phương pháp "xuân hóa" này của Lysenko thất bại thê thảm. Simon Ings mô tả nhiều ý tưởng và phương pháp của Lysenko là hết sức ngớ ngẩn, vô lí, và lố bịch. Trong một hội nghị khoa học tại Nga có sự tham gia của các nhà khoa học phương Tây, những người vô cùng ngạc nhiên khi nghe Lysenko mô tả lí thuyết tái sản sinh của ông là do các tế bào "ăn thịt" lẫn nhau rồi ... phun ra. Một trong những đồng nghiệp của Lysenko là Nikolai Koltsov mỉa mai nói rằng "Ông ấy có thể biến con gián thành con ngựa chỉ qua cho ăn uống."

Qua cuốn sách, chúng ta còn biết rằng Stalin rất thích chanh. Ông thích trồng chanh trong vườn ở biệt thự (dacha?) gần Moscow. Lysenko thuyết phục Stalin trồng chanh theo cách "xuân hóa" của ông, nhưng một nhà di truyền thực vật rất nổi tiếng tên là Nikolai Vavilov học phản đối. Lysenko không ưa Vavilov và cho rằng cây cối không có gen gì cả. Vavilov phải cầu cứu đến Stalin, nhưng Vavilov đã gặp ... sai người. Stalin chẳng những khinh bỉ mà còn chế nhạo Vavilov rằng "Anh là Vavilov người đã vá víu mấy bông hoa, lá, nhánh và mấy thứ cây cỏ vớ vẩn, thay vì giúp cho ngành nông như viện sĩ Lysenko." Stalin ra lệnh bắt giam Vavilov, và nhà di truyền học lừng danh của Liên Xô đã chết trong tù vào năm 1943.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Stalin bị sốc khi thấy vũ khí hạt nhân của Mĩ trở thành một sự thách thức và đe dọa đến Xô Viết. Stalin tức tối nhận định rằng "Chúng ta đã lạc hậu so với phương Tây từ 50 đến 100 năm," và tuyên bố sẽ làm cho Xô Viết nhảy vọt sao cho chỉ sau các nước tiên tiến 10 năm. Stalin cảnh báo nếu Xô Viết không hiện đại hóa thì sẽ bị tiêu diệt.

Stalin ra lệnh cho tay sai đắc lực của y là Lavrenti Beria phải nhanh chóng xây dựng bom hạt nhân. Thật ra, trước đó, Beria đã tạo ra những labo đặc biệt trong các nhà tù mà y gọi là "sharashki". Cần nói thêm rằng năm 1937-1938, Stalin bắt hơn 100 nhà vật lí ở Leningrad, với mục đích duy nhất là tiêu diệt đời sống văn hóa và trí thức. Đó chỉ là một phần trong chiến dịch thanh trừng vĩ đại, mà kết quả là gần 8 triệu người bị bắt và gần 1 triệu người bị xử tử.

Làm việc trong các sharashki là những nhà khoa học sáng giá nhất [nhưng đang bị cầm tù], và chính những tù nhân đặc biệt này đã giúp cho Xô Viết đạt được những thành tự ngoạn mục. Nhà vật lí Leon Theremin được cứu từ các hầm mỏ ở Kolyma để vào làm việc trong sharashki của Beria, và chính Theremin đã sáng chế ra các công cụ nghe lén. Sau này, Theremin được trao giải thưởng Stalin.

Nhưng cũng tại các sharashki này, một số nhà khoa học bị đày đọa đến cùng. Các nhà vật lí lừng danh như Peter Kapitsa, Yulii Khariton và Igor Kurchatov bị Beria hành xử một cách lưu manh, nên họ đã viết thư cho Stalin và phàn nàn rằng Beria không tỏ ra kính trọng giới khoa học. Stalin hứa với họ là sẽ đuổi Beria để họ hài lòng, nhưng cảnh báo họ là không được đụng đến Beria. Năm 1949, qua nỗ lực nghiên cứu của các nhà vật lí, Stalin đã có được bom hạt nhân. Tiếp theo đó là những thành tựu đáng kể như máy bay Tupolev và MiG, và xe tăng T-34 được xem là một trong những xe tăng tốt nhất thế giới.

Đọc qua những câu chuyện này và suy nghĩ của Stalin và Lenin, chúng ta thấy hình như có một sự trùng hợp ở miền Bắc Việt Nam trước 1975 và miền Nam Việt Nam sau 1975. Cũng như Liên Xô dưới thời Stalin muốn tạo ra một thế hệ nhà khoa học vô sản và loại bỏ các nhà khoa học tư sản, Việt Nam thời đó cũng tạo điều kiện tối đa để hình thành một thế hệ khoa học mới từ con em cách mạng và loại bỏ những người thuộc thế hệ cũ. Liên Xô có một cuộc thanh trừng trí thức, thì Việt Nam cũng có sự kiện "Nhân văn Giai phẩm". Cũng giống như Stalin thiết lập giải thưởng khoa học kĩ thuật lấy tên ông, thì Việt Nam cũng có giải thưởng lấy tên lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhưng mãi đến 1996 mới trao giải. Cũng như Liên Xô dưới thời Stalin rất quan tâm đến ứng dụng khoa học, Việt Nam cũng có bí thư Lê Duẩn rất quan tâm đến những vấn đề mang tính ứng dụng. Trong cuốn Hồi kí Trần Đĩnh, tác giả có thuật rằng ông Lê Duẩn rất quan tâm đến đời sống người dân, và ông hỏi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rằng "một bát cơm ăn với rau muống luộc có khác một bát cơm ăn với rau muống xào không." Tuy nhiên, những câu chuyện về thành tựu khoa học dưới thời Stalin có lẽ chưa từng xảy ra ở miền Bắc Việt Nam dù là một nơi có các thiết chế xã hội mô phỏng theo Xô Viết.



Simon Ings nhận định rằng những thành tựu nổi bật nhất của khoa học Xô Viết dưới thời Stalin diễn ra ở trong các nhà tù, chứ không phải các viện nghiên cứu hay đại học. Những thành tựu này, trớ trêu thay, đạt được dưới sự khủng bố chính trị của Stalin. Viết đến đây tôi nhớ đến công trình Tử Cấm Thành của Tàu là do kiến trúc sư Nguyễn An thiết kế dưới áp lực khủng bố của hoàng đế Trung Hoa thời thế kỉ 15. Tình trạng này cũng giông giống như câu "Cái khó ló cái khôn."
Previous
Next Post »