Hồi
còn nhỏ ở dưới quê, tôi hay nghe người lớn kể chuyện về cho uống ... phân người
để điều trị bệnh đường ruột. Người ta phơi khô phân và nghiền mịn ra, rồi pha
vào nước cho bệnh nhân uống. Nghe thì thật là ghê và nghĩ rằng có lẽ là vì lạc
hậu nên mới làm vậy. Ai ngờ rằng một trong những tiến bộ của y học hiện nay là
dùng phân người để điều trị bệnh viêm ruột kết! Đó là nội dung của một bài giảng
mà tôi mới nghe và muốn chia sẻ cùng các bạn.
Microbiome
và microbiota
Có
thể nói rằng hệ vi sinh vật là một “frontier” của y học hiện đại, có thể là biên
giới sau cùng mà y học sẽ dành nhiều thời gian trong tương lai trên hành trình
chinh phục bệnh tật. Những ứng dụng rất thực tế của hệ vi
sinh trong điều trị viêm ruột kết bằng… phân người.
Một
cách ngắn gọn, microbiota là cộng đồng vi sinh vật trong cơ thể con người. Những
vi sinh vật này bao gồm vi trùng, vi khuẩn, nấm, và protozoa. Cơ thể chúng ta là
“nhà” của khoảng 100,000 [một trăm ngàn] tỉ vi sinh vật như thế, nhưng đa số
chúng “cư trú” ở đường ruột, đặc biệt là ruột già. Một số nhỏ cư trú ở da và âm
hộ (nữ). Cần nói thêm là những vi sinh vật này không phải là những “kẻ xâm
lăng”, mà chỉ là những “kẻ thuộc địa nhân từ”. Trọng lượng của hệ vi sinh vật
trong người chúng ta là khoảng 2.26 kg, tức thấp hơn cân nặng của bộ não một
ít.
Còn
microbiome có nghĩa là hệ gen của các vi sinh vật đó. Chúng ta biết rằng mỗi vi
sinh vật có một hệ gen (cũng như con người chúng ta có hệ gen bao gồm ~23,000
gen). Số gen của hệ vi sinh vật này là khoảng 300 triệu, nhiều gấp 143 lần số
gen con
người.
Vai
trò của
microbiota
Như
vậy, chúng ta thấy những vi sinh vật đang cư trú trong cơ thể chúng ta rất phức
tạp. Chính vì sự phức tạp của chúng nên chúng ta phải hiểu chúng có chức năng
gì. Rất may mắn là những tiến bộ trong công nghệ phân tích gen đã giúp chúng ta
có một số hiểu biết ban đầu về vai trò của microbiota. Như đề cập trên, đa số vi
sinh vật làm nhà ở ruột già, nên có thể tiên đoán rằng chúng có vai trò rất quan
trọng là giúp tiêu hóa thức ăn. Không có chúng nghiền nát và chuyển hóa thức ăn
thì chúng ta khó mà ăn được trái cây và thịt, và … khó sống. Do đó, cộng đồng
microbiota đóng vai trò quan trọng về sự sinh tồn của con người. Ngoài vai trò
dinh dưỡng, cộng đồng microbiota còn giúp chúng ta kiểm soát hệ thống miễn dịch
để phòng chống các tác nhân gây bệnh từ ngoài. Chúng còn giúp sản xuất vitamin
B12, thiamine, riboflavin và vitamin
K.
Với
những vai trò trên, cộng đồng microbiota có liên quan đến một số bệnh lí mãn
tính. Những bệnh lí này bao gồm béo phì, tiểu đường, hen, tự kỉ, ung thư, viêm
loét ruột, v.v. Một số nhóm trên thế giới còn nghiên cứu về ảnh hưởng của
microbiota đến bệnh loãng xương và thoái hóa khớp. Nghiên cứu ở những người sinh
đôi cho thấy cho dù những cặp này có cùng hệ gen, nhưng người béo phì có
microbiota rất khác với người không béo phì. Thật ra, những người béo phì thường
có hệ vi sinh vật nghèo nàn so với người không béo phì. Một nghiên cứu khác trên
chuột cho thấy chuột bị tiểu đường loại I có hệ microbiota không phong phú bằng
chuột không mắc bệnh. Nói tóm lại, những nghiên cứu này đều cho thấy sự đa dạng
và phong phú của cộng đồng vi sinh vật trong người là rất quan trọng để duy trì
sức khỏe.
Dùng
phân để trị viêm
ruột
Một
nghiên cứu có thể xem là táo bạo dùng phân người để trị bệnh viêm loét đại tràng
(ulcerative colitis). Công trình này mới được công bố trên tập san lừng danh
Lancet, và kết quả có thể nói là hết sức đáng chú ý. Giả thuyết đằng sau nghiên
cứu cho rằng viêm loét đại tràng là do cộng đồng microbiota bị mất cân đối hay
thiếu sự đa dạng. Nếu giả thuyết này đúng (và đã có nhiều dữ liệu thí nghiệm cho
thấy như thế) thì liệu pháp trị liệu là bơm phân vào bệnh nhân có thể giúp họ
cải thiện bệnh
trạng.


Có
nhiều bệnh nhân viêm loét đại tràng mà các thuốc hiện hành không có hiệu quả. Do
đó, phương pháp “bơm phân” để thay thế cộng đồng microbiota có lẽ là một lựa
chọn khả dĩ. Để kiểm định giả thuyết này, các nhà nghiên cứu Úc chọn một nhóm
bệnh nhân gồm 80 người, chia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên: nhóm được bơm
phân (40 người), và nhóm chứng (40 người). Outcome chính của nghiên cứu là
thuyên giảm mà không cần đến steroid và chỉ số Mayo. Kết quả là sau 8 tuần điều
trị nhóm được bơm phân có tỉ lệ thuyên giảm là 27%, cao hơn 3 lần do với nhóm
chứng (8%). Kết quả này có ý nghĩa thống kê (tỉ số nguy cơ 3.6; khoảng tin cậy
95%, 1.1 đến 11.9; P =
0.021).
Ngoài
ra, còn có một nghiên cứu khác trên bệnh nhân bị nhiễm Clostridium difficile
cũng cho thấy bơm phân hay thay thế cộng đồng microbiota cũng có hiệu quả
tốt.
Nhưng
vấn đề quan trọng là làm thế nào để bơm phân? Các nhà khoa học đã tìm ra giải
pháp gọi là FMT (Fecal Microbiota Transplant). Mục tiêu là thay thế cộng đồng
microbiota xấu bằng một cộng đồng tốt. Tìm cộng đồng microbiota tốt từ đâu? Câu
trả lời là từ những người khỏe mạnh, nhưng dù thế, phân của họ vẫn phải được xem
xét cẩn thận, đảm bảo không có máu hay chất nhầy. Sau khi đã có người tặng phân,
bước kế tiếp là phải “chế biến”. Cách chế biến là hòa trộn phân tươi với dung
dịch muối (saline) hoặc một dung dịch khác, rồi làm cho
khô.
Tuy
rằng những nghiên cứu khoa học về bơm phân để điều trị nhiễm trùng C. difficile
và viêm loét ruột là mới, nhưng thủ thuật thay phân thì không hẳn là mới. Ở vài
nơi trên thế giới, trẻ con mới sinh còn được cho ăn một chút phân mẹ vì người ta
nghĩ rằng nó giúp cho đứa bé có khả năng kháng trùng. Ở bên Tàu, theo sách vở
lưu lại thì các y sĩ bên đó đã dùng phân người để chữa bệnh. Theo bài báo này
vào thế kỉ 4, y sĩ Ge Hong mô tả cách bơm phân vào miệng bệnh nhân bị ngộ độc
hay bị tiêu chảy nặng. Đến thế kỉ 16, y sĩ Li Shizhen mô tả cách dùng dung dịch
phân lên men, phân tươi, hay phân khô, hay phân trẻ con để điều trị tiêu chảy,
cảm cúm, và táo bón. Để bệnh nhân khỏi “nhăn mặt” họ đặt tên cho cách điều trị
này là “yellow soup”, hay canh
vàng!
Tóm
lại, nghiên cứu về microbiota là một lĩnh vực rất nóng hiện nay trên trường quốc
tế. Rất nhiều nghiên cứu được công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao như
Cell, Science, JAMA, Lancet, Gut, v.v. Những kết quả thử nghiệm lâm sàng gần đây
cho thấy bơm phân có thể là một biện pháp tương đối hữu hiệu cho viêm loét đại
tràng khi các biện pháp khác thất bại. Nhưng microbiota còn có vai trò trong các
bệnh như tiểu đường, béo phì, và ung thư, nên các bạn cũng cần phải mở rộng tầm
nhìn sang các bệnh lí vừa kể. Nếu các bạn muốn dấn thân vào một lĩnh vực nóng và
tiền phong, thì nên nghĩ đến nghiên cứu microbiome hay microbiota.
EmoticonEmoticon