Nhiều
khi tôi thấy hơi "bothered" về sự thiếu khiêm cung trong một số không nhỏ bạn
trẻ ngày nay. Có những người [nói theo ông bà ta là] tỏ thái độ "chưa đỗ ông
nghè, đã đe hàng tổng". Mà, trong thế giới khoa học, dù họ có đỗ ông nghè đi nữa
thì họ vẫn chưa đủ trình độ để "đe hàng tổng". Trong thế giới khoa học cũng cần
một thái độ khiêm cung để thành công về lâu dài.
Khi
nói "khiêm cung" ở đây, tôi muốn nói đến thái độ cầu thị và ham học hỏi, chứ
không có ý nói phải khom mình thấp trước uy quyền hay các bậc trưởng thượng. Cho
dù một người trẻ đã nắm vững vấn đề (thường thì không), thì cũng nên tỏ thái độ
muốn học hỏi thêm, muốn có một cái nhìn khác, muốn có thêm tương tác. Trong thế
giới khoa học có rất nhiều điều mình không biết, và sự thật này nói rằng đừng
nên tỏ ra quá tự tin và khẳng định và đừng nghĩ mình là "chuyên gia", vì nó có
thể trở thành trò cười cho người ta. Cho dù mình có bỏ ra 10 năm theo đuổi một
chuyên ngành, thì ý kiến của người ngoài ngành có khi làm cho chúng ta ngộ ra
nhiều hơn, chứ không nên xem thường người ta là ngoài ngành thì biết gì mà
nói!
Có
người có phản ứng rất trẻ con. Thấy ai đó nói về lĩnh vực mình quan tâm hay đang
học là lồng lộng lên, và chê người ta là không biết gì. Tôi thấy đó là một phản
ứng rất dở và ấu trĩ. Mới đọc được vài bài báo mà tưởng mình đã thấy "chân lí"
là quá ngây thơ. Mới công bố được 1-2 bài báo mà tưởng mình là đỉnh là rất ư là
trẻ con. Mới học được một vài phương pháp mà nghĩ mình biết hết là rất nguy
hiểm. Những người này sẽ không học được gì cả. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến
nhận xét của một đồng nghiệp người Úc là nhiều người trong giới khoa học Việt tỏ
ra cái gì cũng biết, trong khi người Thái thì họ có vẻ nói cái gì cũng không
biết. Không phải người Thái không biết; họ chỉ tỏ thái độ khiêm cung và cầu thị,
họ muốn học thêm từ người
khác.
Thời
gian học hay thời gian làm nghiên cứu là thời gian lí tưởng nhất để tích tụ kiến
thức, kĩ năng, và kinh nghiệm ứng xử trong khoa bảng. Cái học thứ ba là văn hoá
khoa học, không phải ở đâu cũng chỉ dạy. Trong văn hoá khoa học, cũng có tôn ti
trật tự, và phải biết kính trên nhường dưới, biết cách nói sao cho có hoà khí.
Thay vì nói "anh không biết gì về vấn đề này," thì người có văn hoá khoa học nói
"tôi nghĩ có một cách hiểu khác, và tôi nói ra anh xem đúng không nhé". Chỉ một
cách nói như thế không chỉ tỏ ra là người có văn hoá khoa học, mà còn làm hài
lòng người đối
diện.
Nhiều
người trẻ nghĩ rằng khi sang đến Tây là phải bình đẳng. Trò và thầy phải bình
đẳng, ai cũng là "You", ai cũng là "mày tao". Sai lầm to. Bình đẳng trong học
thuật thôi, chứ không bình đẳng trong cách ứng xử. Trong khoa học và học thuật
cũng có giai tầng, người trên kẻ dưới. Không có khúm núm, nhưng người cấp dưới
phải biết nói với người trên một cách thích hợp, và người trên phải biết cách
nói với người dưới quyền. Mới là nghiên cứu sinh mà dám nói thầy cô mình là dốt
thì đó không phải là tự tin, mà phải nói là … mất dạy. Chứ đừng bao giờ nghĩ
rằng đã qua đến Tây là xem ai cũng "you" hay"mày tao". Thái độ như thế không
phải là Tây đâu, mà là thái độ vô giáo
dục.
Có
những người hành xử theo kiểu "ngựa non háu đá". Họ thường là những người mới ra
trường, có khi làm việc bên trời Tây vài năm, và nghĩ là mình đã biết tất cả về
Tây. Cũng có người có một chức vụ khoa bảng nào đó (như associate professor hay
assistant professor hay thậm chí professor) và thế là nghĩ rằng họ biết hệ thống
khoa bảng của phương Tây. Nhưng trong thực tế thì không hẳn như thế; cho dù anh
là giáo sư nhưng nếu không có vai trò "leadership" thì cũng không thể hiểu hết
Tây. Đa số giáo sư gốc Việt chỉ là người ngoài cuộc mà
thôi.
Cũng
có người mới vào học và mới khám phá được một thông tin nào đó, một phương pháp
nào đó, và nghĩ rằng mình đã tìm ra sự thật. Họ tỏ ra tự tin và xem những ai nói
khác [với những gì họ mới phát hiện] là sai. Họ tỏ ra hung hăn trong tranh luận,
dùng từ ngữ lên lớp người khác, dù họ còn đang học. Người đi trước nhìn một
người mới ra trường hay một người nghiên cứu sinh hành xử theo kiểu "ngựa non
háu đá" thì chỉ biết cười thôi, nhưng đằng sau cái cười đó không có lợi cho con
ngựa non chút nào. Mới non như thế mà đã tỏ ra hung hăn thì chắc chắn chẳng ai
có cảm tình và hợp tác trong tương
lai.
Nhưng
rất tiếc, tôi quan sát thấy có một số người trẻ lớn lên trong xã hội ngày nay
không có thái độ khiêm cung. Dù còn đang đi học nhưng họ tỏ ra rất tự tin và sẵn
sàng lên lớp bất cứ ai. Có người còn tự xưng là "expert" trên báo chí. Tự tin là
một đức tính tốt, nhưng tự tin phải có lí do và có chứng cứ làm cơ sở, chứ tự
tin theo kiểu tự xưng thì dễ có nguy cơ trở nên lố bịch. Người ta là expert, là
KOL vì người ta được xã hội công nhận qua những đóng góp của người ta, chứ không
phải qua tự xưng hay qua dùng những thuật ngữ phức
tạp.
Những
người tự tin thái quá này hình như không biết rằng cái bằng tiến sĩ [mà họ chưa
có] chỉ là mới xong bước đầu của học nghề. Sau tiến sĩ còn phải qua giai đoạn
hậu tiến sĩ, tức là giai đoạn để một nhà khoa học có thể định hình. Chỉ có một
số người sau hậu tiến sĩ mới trở thành độc lập (tức có thể phát biểu độc lập).
Đến khi trở thành độc lập, nhà khoa học mới thấy cái mênh mông của sự việc mình
quan tâm. Không có cái nào là đơn giản. Cũng ít khi nào có trắng đen, đúng sai
một cách rành rọt. Lúc còn đi học thì thấy cái gì cũng trắng đen rõ ràng, nhưng
càng học càng thấy nó không phải như thế, mà có rất nhiều vùng màu xám. Chính
vùng màu xám này làm cho nhà khoa học phải khiêm tốn. Do đó, khi một nhà khoa
học thiếu tính khiêm tốn và tự xưng mình là "expert" là người chưa trưởng thành.
Những người này sẽ chẳng học hành được gì, và sự nghiệp của họ cũng chẳng đi đến
đâu trong thế giới
phẳng.
Để
thành công trong thế giới học thuật và khoa học, tôi có thể chia sẻ về khía cạnh
văn hoá khiêm cung. Phải biết mình đang ở đâu trong các bậc thang khoa bảng, nên
biết trên nhường dưới, nên học hỏi càng nhiều càng tốt chứ đừng bao giờ tỏ ra
mình là "expert". Ông bà chúng ta có câu rất hay là "Chưa đỗ ông nghè, chớ đe
hàng tổng", nhưng tôi thì nghĩ trong bối cảnh học thuật ngày nay, dù đã đỗ ông
nghè, cũng đừng nên đe doạ ai với cái
danh.
Thú
thật các bạn, trong tất cả các bài giảng, dù trên youtube hay ngoài đời, tôi
không dám dùng chữ "tôi giảng" hay "tôi dạy"; tôi chỉ nói rằng tôi muốn chia sẻ
kinh nghiệm và kiến thức cùng học viên thôi. Có nhiều người xem cách nói đó là
nhún nhường, nhưng nghĩ cách nói đó phản ảnh cái thực tế trong quan hệ xã hội:
chia sẻ.
EmoticonEmoticon