ISI và Scopus bị tẩy chay?


Những tranh luận xoay quanh tiêu chuẩn công nhận giáo sư lại quay về tình hình nghiên cứu khoa học xã hội, và xuất hiện vài ngộ nhận. Một giáo sư văn học nói rằng những yêu cầu về công bố quốc tế cho giáo sư là không hợp lí, vì hai danh mục ISI và Scopus bị tẩy chay (1). Bác nói như thế thì khổ cho chúng tôi quá. Có ba điểm cần phải trao đổi thêm để chúng ta hiểu cho rõ. Ba điểm này liên quan đến tính chính danh của các tập đoàn xuất bản và chủ đề công bố quốc tế.



Thứ nhất, các tập đoàn xuất bản khoa học ở các nước phương Tây đều là tư nhân hay cổ phần. Từ Elsevier, Springer, Wiley, đến McGraw-Hill, tất cả đều là tư nhân, chứ không có dính dáng gì đến Nhà nước cả. Cái "status" tư nhân đó không hề làm giảm uy tín của các tập đoàn. Cho dù họ có bị chỉ trích nhiều, nhưng những đóng góp của họ cho khoa học thì không thể nào bác bỏ được. Riêng Elsevier thì bị một số nhà khoa học tẩy chay bằng cách không ngồi trong ban biên tập của các tập san, vì Elsevier tiếp tục tăng giá niên liễm (subscription) làm cho nhiều thư viện đại học khốn khổ. Nhưng dù tẩy chay như thế, đại đa số các nhà khoa học vẫn làm không lương cho Elsevier, và cuộc tẩy chay chẳng gây ảnh hưởng gì cả. Ngay cả những người kí tên tẩy chay vẫn công bố nghiên cứu trên các tập san Elsevier! Tẩy chay ở đây là vì mô hình kinh tế, chứ không phải vì học thuật.  

Thứ hai, bác nói "đây là hai tổ chức công bố khoa học phi chính phủ, bị nhiều tạp chí quốc tế không thừa nhận giá trị, thậm chí bị yêu cầu cho ra khỏi các thống kê khoa học nghiêm túc" thì tôi e rằng không đúng. Trong thực tế, các cơ quan chính phủ đều dùng cơ sở dữ liệu của ISI và Elsevier để làm thống kê đánh giá tình hình khoa học của một quốc gia. Rất rất nhiều người (2-3), kể cả chúng tôi (4-6) cũng dùng các cơ sở dữ liệu này để đánh giá khoa học. Có thể họ chưa bao quát đầy đủ tập san, nhưng cơ sở dữ liệu của họ hiện nay được xem là tương đối hoàn chỉnh.

Chính vì thế mà hàng năm các chính phủ và các đại học khắp thế giới phải trả nhiều tiền (bạc triệu USD) để truy cập cơ sở dữ liệu của họ. Chẳng hạn như ở Úc, để đánh giá đầu tư cho nghiên cứu y sinh học ra sao, chính phủ ủy nhiệm cho một nhóm nghiên cứu làm, và nhóm này dùng cơ sở dữ liệu của ISI (2). Để đánh giá hoạt động khoa học giữa các quốc gia, người ta cũng dùng dữ liệu của ISI (3-4).

Thứ ba, bác nói rằng những tập san trong ISI và Scopus không quan tâm đến nghiên cứu sử học và văn học từ Việt Nam thì cũng không đúng. Ngược lại, họ rất quan tâm và sẵn sàng công bố nghiên cứu từ Việt Nam. Tôi mới tính thử thì thấy trong thời gian 2001 đến 2015, Việt Nam đã công bố được 717 bài báo khoa học xã hội và nhân văn trên các tập san trong danh mục ISI (xem bảng số liệu, nguồn tham khảo #5). Rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu, từ lịch sử, văn học, ngôn ngữ học, truyền thông học, nhân chủng học, gia đình học, đến xã hội học, Việt Nam đã có công bố quốc tế (tuy còn quá ít). Nhưng điều hơi buồn (?) là đa phần những bài này do hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài và các tác giả nước ngoài đứng tên.


Cũng sẵn đây nói thêm về một ngộ nhận cho rằng chi phí bình duyệt cho mỗi chuyên gia bình duyệt là 2000 USD (6). Điều này hoàn toàn sai. Các tập san khoa học không trả tiền cho chuyên gia bình duyệt một cent nào cả; tất cả chuyên gia đều làm việc hoàn toàn vì khoa học và thiện nguyện. Điều này thì có thể hỏi các chuyên gia ở Việt Nam, họ có thể nói rõ. Trong thời gian làm editor tôi chưa bao giờ trả tiền cho chuyên gia bình duyệt, và đó là một điều chắc chắn. Tuy nhiên, vài tập san có thể lấy ấn phí (gọi là article processing charge hay APC), thường là 300-600 USD một bài. Có tập đoàn xuất bản, như Springer chẳng hạn, thì không lấy ấn phí. Các tập san Mở (Open Access journals) thì có thể lấy ấn phí cao hơn (khoảng 1500-2000 USD một bài); nhưng Việt Nam được xếp vào nhóm các nước "nghèo", nên các tập san Mở cũng không lấy ấn phí từ các tác giả ở Việt Nam.

Nói tóm lại, vài ý kiến của bác giáo sư (1) có vẻ là ngộ nhận. Một phần vì bác ấy chưa rõ sự vận hành và cơ cấu dữ liệu của hai nhóm ISI và Scopus, cũng như các tập san trong hai danh mục đó, nên bác ấy nói quá mạnh và không đúng. Các tập san lừng danh như Science, Nature, Cell đều chẳng do Nhà nước quản lí, nhưng điều đó không hề làm giảm uy tín của họ. Các tập san khoa học quốc tế công bố nghiên cứu từ bất cứ nước nào và bất cứ chủ đề gì, miễn là nghiên cứu phải cho ra nghiên cứu, có nghĩa là làm đúng phương pháp khoa học (scientific method) và tuân thủ theo các qui ước về đạo đức khoa học. Việt Nam đã và đang công bố các công trình nghiên cứu khoa học xã hội trên các tập san ISI và Scopus.

----

(1) http://infonet.vn/tieu-chuan-gspgs-toi-cuc-luc-phan-doi-loi-quoc-te-hoa-kieu-thay-boi-xem-voi-post225340.info
Tiêu chuẩn GS,PGS: Tôi cực lực phản đối "quốc tế hóa" kiểu “thầy bói xem voi”

(2) https://www.nhmrc.gov.au/guidelines-publications/nh164

(3) http://www.nature.com/nature/journal/v430/n6997/full/430311a.html
King DA. The scientific impact of nations 


(4) https://link.springer.com/article/10.1007/s11192-011-0446-2
Nguyen TV, Pham LT. Scientific output and its relationship to knowledge economy: an analysis of ASEAN countries 


(5) https://link.springer.com/article/10.1007/s11192-016-2201-1
Nguyen TV, et al. International collaboration in scientific research in Vietnam: an analysis of patterns and impact

(6) https://link.springer.com/article/10.1007/s11192-015-1655-x
Ho Dung Manh. Scientific publications in Vietnam as seen from Scopus during 1996–2013 


(6) http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giao-su-rom-xet-duyet-giao-su-that-loi-nguoi-trong-cuoc-3332918/

Giáo sư 'rởm' xét duyệt giáo sư thật: Lời người trong cuộc 



 
Previous
Next Post »