Một đóng góp có ý nghĩa cho y học nước nhà


Theo dự kiến của Scientific Reports thì hôm nay (12/4) là ngày họ công cố công trình nghiên cứu của Bs Hà Tấn Đức. Cái giờ phút quan trọng của một công trình nghiên cứu công phu và qui mô, kéo dài gần 3 năm từ lúc 'thai nghén' đến lúc kết thúc, là đây. Đây là một "achievement" quan trọng, một thành quả đẹp sau bao nhiêu ngày tháng miệt mài làm việc và suy nghĩ. Sự việc còn minh chứng cho ý tưởng tôi hay nói là nghiên cứu có phẩm chất cao có thể làm ở bất cứ nơi nào (chứ không hẳn phải ở thành phố lớn hay "trung ương" mới làm được.)



 
Ý tưởng về công trình này được "thai nghén" từ những 4-5 năm trước. Ai cũng biết nguy cơ tử vong ở bệnh nhân khoa cấp cứu khá cao, và nhất là ở Việt Nam nơi mà bệnh viện lúc nào cũng quá tải. Ở nước ngoài, người ta có những mô hình tiên lượng để đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân, và qua đó mà sắp xếp ưu tiên điều trị. Tiếng Anh gọi là "triage". Mấy mô hình này được phát triển ở bệnh nhân Âu Mĩ, và nói chung các mô hình đó có khả năng tiên lượng rất tốt, giúp cho bác sĩ rất nhiều trong việc quản lí bệnh nhân. Chúng tôi tự hỏi là các mô hình này có áp dụng được cho Việt Nam không, và có cách nào để phát triển một mô hình hi vọng là tốt hơn dành cho bệnh viện Việt Nam.

Hai câu hỏi đơn giản vậy, nhưng phải đến 4 năm sau mới thành hiện thực. Giai đoạn đầu là làm một nghiên cứu gọi là "validation", tức kiểm định các mô hình của Âu Mĩ ở bệnh nhân Việt Nam. Công trình này làm trên hơn 1700 bệnh nhân ở Bv Đa khoa Trung ương Cần Thơ, và đã công bố trên một tập san quốc tế vào năm 2015. Sau khi có kết quả đó, chúng tôi thực hiện bước thứ hai, qui mô lớn hơn và công phu hơn. Bước thứ hai được thực hiện trên khoảng 2000 bệnh nhân, trước hết là xác định các yếu tố lâm sàng và xét nghiệm sinh hoá có thể dùng cho dự báo nguy cơ tử vong và xây dựng thành vài mô hình tiên lượng; sau đó kiểm tra mô hình này ở một bệnh viện khác cũng gần 2000 bệnh nhân. Tổng cộng là gần 4000 bệnh nhân trong nghiên cứu thứ hai. Kết quả mĩ mãn và có thể nói là "đẹp". Còn đẹp như thế nào và công phu ra sao thì các bạn phải chờ bài báo công bố nay mai để biết.

Do đó, lần này Bs Đức và tôi phải tìm chỗ để gọi là "Chọn mặt gửi vàng", và chúng tôi chọn Scientific Reports. Lí do tại sao chọn Scientific Reports là vì vấn đề ấn phí, mô hình công bố Mở, và uy danh của tập san. Vì tác giả xuất phát từ Việt Nam, được xem là một nước đang phát triển, nên tập san miễn phí cho tác giả. (Nếu tác giả từ Úc thì ấn phí khoảng 1500-2000 USD một bài). Thứ hai là Scientific Reports theo mô hình xuất bản Mở, nên bất cứ ai cũng có thể tải về để đọc mà không phải trả tiền. Sau cùng là uy tín của tập san vốn là của tập đoàn lừng danh Nature (bây giờ thì bị Springer mua rồi, nhưng không đổi tên). Scientific Reports ra đời mới đây là để cạnh tranh với PLoS ONE lúc đó đang "nổi như cồn", nhưng chỉ sau vài năm với cái thương hiệu Nature, Scientific Reports đã qua mặt PLoS ONE về tầm ảnh hưởng (nếu đo bằng impact factor).

Bs Đức viết thư cho tôi nói rằng cho đến giờ em ấy vẫn còn cảm giác lâng lâng. Em lo lắng rằng "chắc sau này khó mà em công bố được bài báo nào lớn như bài này." Tôi nói rằng một lần sau sẽ công bố trên một tập san còn lớn hơn và "ngon lành" hơn Sci Reports nữa. Chưa biết khi nào, nhưng điều đó chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Trước đây, chúng tôi đã có những nghiên cứu "thuần Việt" trên những tập san hàng đầu trong chuyên ngành. Đã có tên tuổi Việt Nam trên Int J Epidemiol, Diabetes Care, Diabetologia, Bone, Osteoporosis Int, Am J Clin Nutr, và quan trọng nhất là Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism. Nay đến Sci Reports. Do đó, chúng ta có cơ sở và lí do để tiến xa hơn và cao hơn trên bậc thang đẳng cấp quốc tế.

Tôi thấy xu hướng mới trong khoa học ngày nay là "Big Science". Cũng giống như toàn cầu hoá, và xu hướng các nước hình thành theo khối vùng kinh tế (như APEC chẳng hạn), khoa học cũng có xu hướng đó. Đó là xu hướng các labo hay nhóm nghiên cứu trên thế giới tự hình thành các tập đoàn khoa học, gọi là "consortium", để chung tay giải quyết một vấn đề khoa học. Các dự án Big Science thường công bố trên các tập san hàng đầu như Nature, Science, Cell, NEJM, Lancet, JAMA, v.v. Làm khoa học riêng lẻ sẽ khó có cơ may xuất hiện trên tập san số 1 trên thế giới. Do đó, tôi nghĩ VN nên hình thành các consortia khoa học, và Nhà nước nên tài trợ cho các tập đoàn này.

Nhưng trong thực tế thì VN rất khó hình thành consortia khoa học. Nó xuất phát một phần từ cá tính người mình, chẳng ai nể ai, chẳng ai chịu làm việc chung với nhau, thậm chí còn đố kị, ganh ghét, người này mới "leo lên" một chút thì đã bị dèm pha và kéo xuống (giống y như hình ảnh những con cua trong rọ). nên khó có thể làm việc chung trong các consortia khoa học. Do đó, các nhà khoa học VN chỉ còn cách là tham gia vào các tập đoàn quốc tế. Vấn đề là tham gia như thế nào mà mình phải giữ "tài sản" cho mình, không bị mất cho người khác. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của cá nhân nhà khoa học. Để tham gia các tập đoàn khoa học quốc tế thì mình phải có "credential" cái đã. Credential qua công bố quốc tế trên các tập san lớn. Bs Đức đang tạo cái credential đó cho VN.



Nhân dịp này thì tôi cũng gửi lời chúc mừng đến Bs Đức và đồng nghiệp đã hoàn tất đẹp công trình nghiên cứu đẹp, góp phần đưa tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế. Để chứng minh rằng đây không chỉ là công bố quốc tế cho đẹp lí lịch, mà nghiên cứu còn phải đem lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân, bước kế tiếp là đăng kí bản quyền sáng chế. Sau đó là triển khai để các bác sĩ trên thế giới sử dụng mô hình của Bs Đức, chắc chắn sẽ giúp giảm tử vong cho nhiều bệnh nhân. Và, như vậy là một đóng góp có ý nghĩa cho y học nước nhà rồi.
Previous
Next Post »