Có
lẽ đa số các bạn không chú ý đến ngày 27/3, nhưng đó là ngày sinh nhật 160 của
Karl Pearson (ông sinh ngày 27/3/1857), được xem là một "cha đẻ" của khoa học
thống kê hiện đại, là một trong những nhà khoa học và nhà thống kê học vĩ đại
trong lịch sử. Ông còn là một lí thuyết gia khoa học (1) và đặt nền tảng cho
những gì chúng ta làm ngày nay.
Ông
sinh ra trong một gia đình trung lưu. Thân phụ là William Pearson là luật sư và
thân mẫu là Fanny Smith, một người đàn bà có học cao. Có lẽ xuất phát từ truyền
thống đó, ông theo học tại những trường "tên tuổi". Bắt đầu từ University
College School London (sau này là UCL), sau đó (1857) vào Cambridge học toán
dưới sự hướng dẫn của các nhà toán học lừng danh như James Maxwell, Arthur và
George Stokes. Nói chung, ông toàn học ở những "right
addresses".
Ngay
từ thời sinh viên, Pearson đã tỏ ra là một người độc lập, ghét giáo điều, và bất
tuân quyền thế. Thời đó, sinh viên bắt buộc phải học tôn giáo (có lẽ giống như
sinh viên Việt Nam ngày nay bị bắt phải học chủ nghĩa Mác Lê), nhưng ông rất
ghét môn học đó. Bằng lí giải logic ông thuyết phục thành công Đại học Cambridge
bỏ qui định bắt buộc học tôn giáo. Điều lạ lùng là người ta thấy chàng thanh
niên Pearson hay đi nhà thờ, nhưng ông xem việc đi nhà thờ là việc tự nguyện,
còn ông ghét là ghét sự áp đặt máy
móc.
Năm
1879 ông tốt nghiệp từ Cambridge, với hạng danh dự. Sau đó, ông đi "chu du" sang
Đức để học vật lí tại Đại học Heidelberg. Sau Heidelberg, Pearson lang thang
sang ĐH Berlin và lúc đó ông theo học sinh học với nhà sinh học lừng danh Émile
du Bois-Reymond lúc đó đang giảng về thuyết Darwin. Ngoài học sinh học, Pearson
còn học Luật La Mã, văn học Đức, và ... chủ nghĩa xã hội. Ông đam mê văn học Đức
đến nổi sau này về Anh ông được bổ nhiệm làm giảng dạy về văn học tại ĐH
Cambridge.
Sau
khi rời Cambridge, ông được bổ nhiệm chức Giáo sư tại UCL (University College,
London), và phần lớn sự nghiệp của ông được xây dựng tại đây. Đóng góp lớn nhất
và quan trọng nhất của Pearson trong thống kê học là phương pháp Ki bình phương,
hệ số tương quan Pearson, mô hình hồi qui tuyến tính, phân tích đa biến
(multivariate analysis). Ngay cả t-test của Student cũng phải qua tay ông mới
thành nổi tiếng. Nhưng ngoài những đóng góp để đời mà nhiều người biết, ông còn
có nhiều đóng góp quan trọng trong di truyền học, triết lí khoa học. Cuốn sách
nổi tiếng của ông, "The Grammar of Science", là một tuyệt tác. Cho đến nay, rất
khó có người nào có cái nhìn bao quát và viễn kiến như Pearson trong cuốn
đó.
Tại
UCL, ông được bổ nhiệm chức "Galton Professor of Eugenics" từ 1911 đến 1933.
Chính từ vị trí này ông đã có công đào tạo rất nhiều học trò lừng danh sau này.
Phương pháp Ki bình phương và phân tích tương quan cũng từ các vấn đề của chủ
nghĩa ưu sinh mà ra. Do đó, có thể nói rằng khoa học thống kê có một mảng đen
trong lịch sử hình
thành.
Năm
1901, Pearson sáng lập Tập san Biometrika để chuyên công bố các bài nghiên cứu
về di truyền và chủ nghĩa ưu sinh. Biometrika còn là một tập san thống kê số 1
thời đó (và cả thời nay), và vẫn còn hoạt động cho đến nay. Ông giữ vai trò tổng
biên tập một thời gian, và trong thời gian đó ông liên luỵ đến một tranh cãi với
một nhà thống kê học lừng danh khác là Ronald Fisher. Fisher gửi bản thảo đến
Biometrika để công bố, nhưng Pearson không hài lòng với công trình vì ông nghĩ
Fisher sai. Thế là hai bên cãi qua cãi lại, cuối cùng thì Pearson không công bố
bài của Fisher. Fisher là người cực kì thông minh nhưng cũng cực kì ... nhỏ mọn,
và giữ "mối thù" đó cho đến đời con của Pearson! Sau này, Fisher tranh cãi kịch
liệt với con trai của Pearson là Egon Pearson, người cùng với Jerzy Neymann phát
triển học thuyết "test of hypothesis" mà Fisher nghĩ là ... vớ
vẩn.
Tên
khai sinh của ông là Carl Pearson, nhưng sau chuyến "du học" bên Đức về ông đổi
tên là Karl Pearson. Có suy luận rằng vì ông ngưỡng mộ Karl Marx quá nên ông tự
đổi tên cúng cơm sang "Karl". Ngay cả tên tập san là BiometriKA (chứ không phải
BiometriCa). Dù xuất thân là một gia đình trung lưu bảo thủ, ông lại là người
theo chủ nghĩa xã hội (socialist) và tự do. Thời đó mà ông đã dám bàn đến nữ
quyền! Chính vì lí tưởng xã hội chủ nghĩa nên ông từ chối không nhận huân chương
OBE (Order of the British Empire) và cũng không thèm nhận "Knighthood" để được
gọi là "Sir". Do đó, khác với những người xã hội chủ nghĩa dỏm, ông là người làm
theo lí tưởng của
mình.
Ông
qua đời ngày 27/4/1936, thọ 80 tuổi, tại Surrey, Anh. Sau khi ông qua đời, có
rất nhiều bài báo khoa học từ các trò viết để vinh danh những đóng góp của ông
cho khoa học (chứ không chỉ thống kê học). Những bài này sưu tầm thành vài tập
sách, đọc rất thú vị. Trong lịch sử khoa học, hiếm thấy một lí thuyết gia nào
như Pearson, người có ảnh hưởng lớn và sâu đậm đến khái niệm, phương pháp luận
làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta đang làm ngày
nay.
Riêng
tôi thì càng học về Ki bình phương và mô hình hồi qui tuyến tính, tôi thấy phục
ông về suy nghĩ đằng sau các phương pháp đó cũng như tầm nhìn về khoa học. Đọc
những bài ông viết về văn học càng thấy ông có một kiến thức uyên bác và quan
sát tinh tế. Do đó, tôi xem ông là một trong những "hero", hay cũng có thể nói
là "thần tượng" cũng
được.
===
(1)
http://www2.fiu.edu/~blissl/Pearson1.pdf
EmoticonEmoticon