Điểm qua năng suất khoa học của vài đại học ASEAN


Hôm kia, nhân dịp xem qua số lượng công bố quốc tế của Việt Nam, tôi tự hỏi là năng suất khoa học của hai đại học lớn nhất VN nếu so sánh với vài đại học trong vùng thì như thế nào. Bảng dưới đây sẽ cho chúng ta thấy quả thật năng suất khoa học của hai đại học quốc gia VN là khá thấp, nhưng vẫn còn khá hơn các đại học của Nam Dương và Phi Luật Tân.




Biểu đồ phản ảnh số faculty (giảng viên, giáo sư) và số bài báo khoa học công bố trên các tập san trong danh mục ISI năm 2016-2017 (tính đến 10/6/2017). 

Phải vất vả lắm mới có dữ liệu của Việt Nam. Theo số liệu báo cáo thường niên năm 2016, ĐHQGHCM có 3401 giảng viên, giáo sư và nhà nghiên cứu (gọi chung là faculty); trong số này có 313 người là GS/PGS. Số liệu của Web of Science cho thấy trong thời gian 2016-2017, ĐHQGHCM công bố được 261 bài báo khoa học. Như vậy số bài báo khoa học trên mỗi faculty là 0.08. (Trong thực tế, tôi nghĩ số bài báo của ĐHQGHCM là hơn con số 261, vì các tác giả ghi tên trường khá tùy tiện nên ISI đếm không hẳn chính xác. Con số thật có thể 300 hay hơn một chút).   

ĐHQGHN thì số liệu tương đối rõ ràng hơn, nhưng cũng khá khó tìm. Theo trang web của đại học thì ĐHQGHN có 2238 faculty; trong đó có 405 GS/PGS. Số công bố quốc tế trong thời gian 2016-2017 là 412. Như vậy, năng suất khoa học của ĐHQGHN cao hơn ĐHQGHCM gấp 2.2 lần. (Nhưng tôi hơi nghi con số faculty của ĐHQGHN, vì trong thực tế có thể cao hơn nhiều).

Chúng ta thử xem qua vài đại học trong vùng ĐNA. Thái Lan có nhiều đại học hàng đầu, nhưng chúng ta chỉ xem Mahidol và Chulalongkorn cho gọn. Mahidol có 3766 faculty, và với số bài báo trong thời gian 2016-2017 là 2337, năng suất của họ là 0.62. Chulalongkorn có số faculty thấp hơn -- nhưng công bố nhiều bài báo hơn -- Mahidol, do đó năng suất của Chulalongkorn (0.77) cao hơn Mahidol.

Mã Lai có ĐH Malaya là trường "đang lên." Malaya có 2807 faculty, nhưng công bố quốc tế của họ lên đến 4700 trong thời gian 2016-2017! Do đó, tính trung bình, mỗi faculty công bố được 1.67 bài báo khoa học. Năng suất trên 1 này cũng thấy ở ĐH Putri Malaysia và Sains Malaysia.

ĐHQG Singapore (NUS) có 2448 faculty, và họ công bố 8828 bài báo khoa học trong thời gian 2016-2017. Tính trung bình năng suất khoa học của NUS là 1.49. Năng suất của NUS có phần cao hơn NTU (1.38). Cần nói thêm là bảng xếp hạng QS năm 2018 cho thấy NTU được xếp hạng cao hơn cả NUS.

Ở Phi Luật Tân, Đại học Philippines và Đại học Philippines Diliman (UPD) là hai đại học hàng đầu. UP có đến 5389 faculty, nhưng trong thời gian 2016-2017 họ chỉ công bố được 392 bài báo khoa học (tức chỉ tương đương với ĐHQGHN). Năng suất của UP do đó chỉ 0.14, thậm chí còn thấp hơn cả UPD.

Nam Dương thì có ĐH Indonesia với lịch sử hơn 100 năm là đại học hàng đầu. UI có đến khoảng 7300 faculty (trong đó có hơn 2000 GS/PGS), nhưng công bố quốc tế của họ chỉ 545 bài trong thời gian 2016-2017. Do đó, năng suất khoa học của UI là thấp nhất trong vùng Đông Nam Á.

Tóm lại, những dữ liệu này cho thấy năng suất khoa học của hai đại học lớn nhất và hàng đầu của VN còn thấp, và chỉ tương đương với các đại học của Nam Dương và Phi Luật Tân. Nhìn qua kết quả phân tích này, chúng ta có thể chia các đại học này thành 3 nhóm:

Nhóm "cao": NUS, NTU, Malaya.

Nhóm "trung bình": Mahidol, Chula, Putri Malaysia, Sains Malaysia, Tekologi Malaysia.

Nhóm "thấp": VNUHN, VNUHCM, UP, UPD, U.Indonesia, Gadiah Mada.

Dĩ nhiên, những con số này chỉ để tham khảo, chứ chưa nói lên chính xác tình hình, vì các con số có khi thiếu nhất quán giữa các trường, và nhất là chưa có con số đầu tư (bằng tiền) cho nghiên cứu khoa học của mỗi trường. Tôi biết chắc rằng các đại học như NUS, NTU (của Singapore) và Malaya (của Mã Lai) đầu tư rất nhiều tiền cho nghiên cứu khoa học và thu hút các giáo sư Âu Mĩ về làm việc. Tuy nhiên, cho dù Việt Nam có nâng mức đầu tư khoa học cho các trường hàng đầu thì chưa chắc nâng cao được phẩm chất nghiên cứu khoa học, nếu không có những cải cách căn bản về hệ thống và qui định tài trợ khoa học.

===

TB: Những số liệu về faculty có thể chưa chính xác, bởi vì mỗi nơi có định nghĩa khác nhau về số "academic staff" hay "research staff". Tất cả các số liệu về faculty được thu thập từ các báo cáo thường niên (annual reports) của NTU, NUS, Malaya, Mahidol, hoặc qua trang web của mỗi trường. Số faculty không tính số nhân viên "support" và hành chính.



Riêng trường hợp Việt Nam cần phải cẩn thận trong so sánh, vì cách viết tên trường của các nhà khoa học thuộc ĐHQGHCM, nói chung, rất tùy tiện.
Previous
Next Post »