Thông báo lớp học "Scientific writing and publication"


Tôi rất hân hạnh thông báo cùng các bạn rằng nhân dịp chuyến về Việt Nam dự hội nghị loãng xương lần XI, tôi sẽ giảng 4 ngày tại Bệnh viện Chợ Rẩy về phương pháp viết bài báo khoa học và công bố quốc tế (Scientific writing and publication). Chi tiết của lớp học như sau:



Thời gian: 31/7/2017 đến 3/8/2017 (4 ngày)

Địa điểm: Bệnh viện Chợ Rẩy

Liên lạc đăng kí: Trung tâm đào tạo (lầu 11, tòa nhà D), điện thoại 08 38 55 41 37, email: vpttdtbvcr@gmail.com.

Lớp học chỉ giới hạn 100 người, nên các bạn phải đăng kí sớm, trước ngày 15/7.

Công văn: http://choray.vn/file/Daotao/50ttdt_17.pdf

Chương trình học gồm 12 bài giảng như sau. Buổi sáng là bài giảng, buổi chiều là thảo luận và thực hành. Tôi sẽ mời vài bạn đã có kinh nghiệm công bố quốc tế trong thời gian qua đến chia xẻ kinh nghiệm. Nếu các bạn có bản thảo bài báo và cần góp ý hay biên tập, tôi rất sẵn sàng giúp đỡ.  

Bài 1: Tại sao công bố quốc tế? Trong bài này, chúng ta sẽ bàn về xu hướng chung trong nghiên cứu khoa học, mà theo đó công bố kết quả trên các diễn đàn khoa học (tập san -- không phải tạp chí) là một bước sau cùng của một công trình nghiên cứu. Bài giảng sẽ điểm qua những khó khăn trong công bố quốc tế đối với nhà nghiên cứu từ các nước phát triển như Việt Nam, và những lí do bài báo khoa học bị từ chối. Bài giảng cũng sẽ cung cấp những thông tin về công bố quốc tế liên quan đến ngành y ở Việt Nam, và những trung tâm hàng đầu.

Bài 2: Cấutrúc một bài báo khoa học. Bài giảng sẽ giới thiệu cấu trúc chuẩn của một bài báo khoa học là IMRaD. Những bước cần chuẩn bị cho việc soạn một bài báo khoa học. Ngoài ra, một phần lớn bài giảng sẽ xoay quanh vấn đề tiếng Anh (như văn phong và cách chọn từ ngữ) trong bài báo khoa học.

Bài 3: Cáchđặt tựa đề bài báo. Tựa đề bài báo khoa học là một yếu tố rất quan trọng, có khi quyết định sự thành bại của bài báo, nhưng rất ít được các tác giả chú ý. Bài giảng này sẽ giới thiệu những nguyên tắc trong việc đặt tựa đề, cùng những điều không nên làm khi đặt tựa đề. Một số nghiên cứu khoa học về tựa đề bài báo cũng sẽ được trình bày để minh họa cho các nguyên tắc chung. 

Bài 4: Cáchviết phần Dẫn nhập. Phần Dẫn nhập của một bài báo khoa học là lí do tồn tại của bài báo, nên cần phải được quan tâm đúng mức. Bài giảng sẽ giới thiệu công thức viết dẫn nhập có tên là 
CaRS (creating a research space). Bài giảng cũng sẽ giới thiệu những câu văn quen thuộc để giúp các bạn viết bài báo lần đầu.

Bài 5: Cách viết phần Phương pháp. Bài giảng sẽ giới thiệu những phần thông tin liên quan đến thiết kế nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phương pháp đo lường, phương pháp phân tích, v.v. cho một bài báo y học. Mỗi mục sẽ được minh họa bằng những câu văn quen thuộc hay những mô tả đã được công bố trên các tập san y học nổi tiếng trên thế giới. 

Bài 6: Trình bày kết quả, phần I và phần IIKết quả là trái tim của một công trình nghiên cứu. Nhưng viết phần Kết quả có khi là một thách thức đáng kể cho những người mới vào nghiên cứu, vì không biết viết cái gì trước và cái gì sau, hay viết sao cho thuyết phục. Bài giảng này sẽ trình bày một số phương pháp và nguyên tắc quan trọng trong việc mô tả kết quả nghiên cứu. Phần đầu sẽ bàn về cách viết. Phần hai hướng dẫn cách thiết kế bảng số liệu và những biểu đồ có phẩm chất cao.

Bài 8: Cách viết phần Bàn luận. Đây là phần khó viết nhất trong một bài báo khoa học. Các sách hướng dẫn viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh ít khi bàn đến phần này một cách cụ thể. Ngay cả những người ở cấp giáo sư vẫn viết phần bàn luận chưa đạt. Trong bài giảng này, các bạn sẽ học một công thức đơn giản (gồm 6 đoạn văn) nhưng rất hiệu quả trong việc cấu trúc phần bàn luận.

Bài 9: Cách viết phần Abstract. Bài báo khoa học đòi hỏi phải có một abstract (tóm tắt), thường giới hạn trong 250 đến 300 chữ. Tóm lược một bài báo 20-30 trang thành 250-300 chữ là một thách thức. Bài giảng này sẽ giới thiệu hai dạng abstract: loại có cấu trúc và loại không có cấu trúc. Bài giảng cũng sẽ bàn về những chiến lược cụ thể để viết phần abstract sao cho đầy đủ thông tin trong vòng 250-300 chữ.

Bài 10: Vấn đề tài liệu tham khảo. Danh sách tài liệu tham khảo của một bài báo khoa học có khi nói lên đẳng cấp của tác giả. Bài giảng sẽ hướng dẫn cách chọn tài liệu tham khảo thích hợp theo tiêu chuẩn nội dung, thời gian, tập san và tác giả.

Bài 11: Cách trả lời bình duyệt. Sau khi bài báo được gửi đi, nếu may mắn sẽ được gửi ra ngòai bình duyệt (peer review) bởi các chuyên gia. Nhiệm vụ của tác giả là trả lời những bình luận, phê bình, câu hỏi của chuyên gia bình duyệt. Trả lời bình duyệt vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Bài giảng này sẽ hướng dẫn các bạn cách trả lời cụ thể mà các tập san y khoa ưa chuộng.

Bài 12: Cách chọn tập san để công bố. Chọn tập san thích hợp để công bố kết quả nghiên cứu đang là một vấn đề thời sự, vì có quá nhiều tập san "dỏm" trên thế giới. Điều nguy hiểm hơn nữa là có những tập san nằm ở biên giới dỏm và thật. Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đã trở thành nạn nhân của những tập san dỏm. Bài giảng này sẽ giới thiệu các tiêu chuẩn để giúp các bạn phân biệt tập san dỏm và tập san thật, cùng những tiêu chí để chọn tập san chuyên ngành thích hợp cho nghiên cứu.



Cập nhật 8/7: Hiện nay, số học viên đăng kí đã vượt ngưỡng cho phép, nên ban tổ chức đã khóa sổ. 
Previous
Next Post »